Đề xuất mới về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
28/10/2024 13:45 PM

Nội dung đề xuất mới về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến tại dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Đề xuất mới về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự

Đề xuất mới về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự (Hình từ internet)

Đề xuất mới về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự

Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được thực hiện hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.

Cụ thể, tại Điều 8 dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đã đề xuất quy định về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án (phần chữ in nghiêng là nội dung sửa đổi, bổ sung mới so với quy định hiện hành tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014), theo đó:

(1) Người phải thi hành án có các quyền sau đây:

- Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án;

- Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định dự thảo Luật này;

- Được thông báo về thi hành án;

- Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án; yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định theo quy định của pháp luật

- Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của dự thảo Luật này;

- Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;

- Được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của dự thảo Luật này;

- Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

- Cung cấp thông tin, tài liệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

- Quyền khác theo quy định của dự thảo Luật này;

(2) Người phải thi hành án có các nghĩa vụ sau đây:

- Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định;

- Kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó;

- Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;

- Chịu chi phí thi hành án theo quy định của dự thảo Luật này;

- Bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hành vi theo quy định tại (3);

-  Nghĩa vụ khác theo quy định của dự thảo Luật này.

(3) Nghiêm cấm người phải thi hành án thực hiện các hành vi sau:

- Xâm phạm, đe doạ xâm phạm an ninh, an toàn, trật tự, uy tín, sự tôn nghiêm đối với trụ sở làm việc của cơ quan thi hành án dân sự và địa điểm diễn ra các hoạt động thi hành án;

- Xâm phạm, đe doạ xâm phạm an toàn tài sản, hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của cơ quan thi hành án và các kho bảo vệ vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản có liên quan đến việc thi hành án;

- Khiếu nại, tố cáo, phản ánh, lan truyền các thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động, bôi nhọ, vu cáo, vu khống, xúc phạm uy tín, sự tôn nghiêm, danh dự, nhân phẩm của cơ quan thi hành án, người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí công tác, việc làm của người thi hành công vụ;

- Thu thập, lưu giữ, khai thác, sử dụng, cung cấp, chia sẻ, công khai thông tin, xâm phạm dữ liệu của cơ quan, tổ chức hoặc dữ liệu cá nhân của người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án trái quy định pháp luật; đăng tải, lan truyền các thông tin, hình ảnh, tài liệu bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động, bôi nhọ, vu cáo, vu khống, xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của cơ quan, tổ chức hoặc xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án;

- Xâm phạm, đe doạ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án;

- Tẩu tán, hủy hoại tài sản; cản trở, chống đối việc tổ chức thi hành án và các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự so với quy định đang áp dụng hiện hành tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014.

Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 547

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]