TANDTC trả lời kiến nghị về ban hành hướng dẫn thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
28/10/2024 09:00 AM

Sau đây là nội dung trả lời kiến nghị về ban hành hướng dẫn thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn của TANDTC.

TANDTC trả lời kiến nghị về ban hành hướng dẫn thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn

TANDTC trả lời kiến nghị về ban hành hướng dẫn thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn (Hình từ Internet)

Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 175a/TANDTC-PC ngày 25/9/2024 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Công văn 175a/TANDTC-PC

TANDTC trả lời kiến nghị về ban hành hướng dẫn thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn

Tòa án nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn 655/BDN ngày 02/8/2024.

Trong đó, có nội dung kiến nghị như sau:

“Thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn thì BLTTDS năm 2015 không có quy định và hiện nay Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể..."

Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: "Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải".

Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: "1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu"

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

- Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố nếu yêu cầu phản tố được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thi Tòa án chỉ chấp nhận việc bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố nếu việc thay đổi yêu cầu đó của họ không vượt quá yêu cầu phản tố ban đầu.

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

Theo khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn theo Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

- Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

+ Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

+ Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

- Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Xem thêm tại Công văn 175a/TANDTC-PC ngày 25/9/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 664

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn