04 mức phụ cấp đặc thù của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
26/12/2022 08:59 AM

Tôi muốn biết lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng có những mức phụ cấp đặc thù nào? - Ngọc Toàn (Bình Dương)

04 mức phụ cấp đặc thù của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng

04 mức phụ cấp đặc thù của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lực lượng Cảnh vệ là ai?

Theo Điều 4 Luật Cảnh vệ 2017, lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

2. Mức phụ cấp đặc thù của cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng

2.1. Đối tượng áp dụng mức phụ cấp đặc thù

Đối tượng áp dụng mức phụ cấp đặc thù của cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng bao gồm:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp biên chế tại Phòng Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định tăng cường làm nhiệm vụ theo các chức danh quy định tại Phòng Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị trong thời gian từ 01 tháng trở lên.

(Khoản 1 và 2 Điều 2 Thông tư 162/2018/TT-BQP)

2.2. Đối tượng áp dụng mức phụ cấp đặc thù

Cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 162/2018/TT-BQP, đối tượng quy định tại mục 2.1 được hưởng một trong 4 mức phụ cấp đặc thù, gồm: 30%, 25%, 20% và 15% tính trên mức lương cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan hoặc loại, nhóm, bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp; cụ thể như sau:

(1) Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảnh vệ thực hiện nhiệm vụ: Bảo vệ tiếp cận; bảo vệ khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc, khu vực trọng yếu, sự kiện đặc biệt quan trọng theo quy định;

- Sĩ quan giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Phòng Cảnh vệ và Đội nghiệp vụ cảnh vệ;

- Sĩ quan có cấp bậc quân hàm từ Trung úy hoặc quân nhân chuyên nghiệp có mức lương tương đương sĩ quan cấp bậc quân hàm Trung úy trở xuống.

(2) Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảnh vệ thực hiện nhiệm vụ: Lái xe bảo vệ tiếp cận, lái xe nghiệp vụ, dẫn đường, hộ tống; kiểm tra chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ hoặc vật nguy hiểm khác, kiểm nghiệm độc chất; tác chiến; trinh sát; thông tin phục vụ công tác bảo vệ; đặc nhiệm; cơ động;

- Sĩ quan có cấp bậc quân hàm Thượng úy, Đại úy hoặc quân nhân chuyên nghiệp có mức lương tương đương sĩ quan cấp bậc quân hàm Thượng úy, Đại úy (trừ trường hợp hướng dẫn tại (1)).

(3) Mức phụ cấp 20% áp dụng đối với:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảnh vệ trực tiếp phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Sĩ quan có cấp bậc quân hàm từ Thiếu tá hoặc quân nhân chuyên nghiệp có mức lương tương đương sĩ quan cấp bậc quân hàm Thiếu tá trở lên (trừ trường hợp hướng dẫn tại (1), (2)).

(4) Mức phụ cấp 15% áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảnh vệ không thuộc đối tượng hướng dẫn tại (1), (2), (3).

3. Nguyên tắc thực hiện phụ cấp đặc thù của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng

Việc thực hiện phụ cấp đặc thù của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng được dựa trên các nguyên tắc sau đây:

- Phụ cấp đặc thù hướng dẫn tại Thông tư 162/2018/TT-BQP được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

-Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảnh vệ thuộc đối tượng hưởng mức phụ cấp đặc thù nào thì hưởng mức phụ cấp đặc thù quy định cho đối tượng đó.

Trường hợp một đối tượng đủ điều kiện hưởng ở nhiều mức hưởng phụ cấp đặc thù khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hưởng cao nhất.

- Khi được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, bổ nhiệm làm công tác cảnh vệ từ 01 tháng trở lên thì được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù và được tính hưởng từ tháng có quyết định.

- Khi thay đổi vị trí công tác hoặc cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan hoặc mức lương đối với quân nhân chuyên nghiệp từ tháng nào thì áp dụng hưởng mức phụ cấp đặc thù theo vị trí công tác hoặc cấp bậc quân hàm hoặc mức lương tương ứng kể từ tháng đó.

- Đối tượng hướng dẫn tại mục 2.1 không được hưởng phụ cấp đặc thù trong các trường hợp sau:

+ Khi có quyết định nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu), chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ hoặc thuyên chuyển, điều động sang cơ quan, đơn vị khác không làm công tác cảnh vệ thì thôi hưởng phụ cấp đặc thù kể từ tháng sau liền kề với tháng có quyết định;

+ Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP;

+ Thời gian đi học tập trung tại các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài từ 03 tháng trở lên;

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời gian quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

+ Thời gian bị đình chỉ công tác.

(Điều 4 Thông tư 162/2018/TT-BQP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,107

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn