Truy thu là gì? Quy định về truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
01/11/2022 08:00 AM

Truy thu là gì? Và việc truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN hiện nay được quy định như thế nào? - Thế Văn (Hà Nội)

Truy thu là gì? Quy định về truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN

Truy thu là gì? Quy định về truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Truy thu là gì?

Theo điểm 2.4 khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì truy thu là việc cơ quan BHXH thu khoản tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

2. Thời hạn truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

Thời hạn truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo khoản 2 Điều 28 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định như sau:

- Đối với trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN: Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

- Đối với trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN: không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

3. Quy định về truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

Theo Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 (sửa đổi tại Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020) quy định về truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN như sau:

3.1. Các trường hợp truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

- Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì:

Ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:

+ Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;

+ Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.

- Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: 

Trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

- Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: 

Trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: 

+ Số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định;

+ Tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

- Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

3.2. Điều kiện truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

- Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan BHXH thanh tra buộc truy thu.

- Đơn vị đề nghị truy thu đối với người lao động.

- Hồ sơ đúng đủ theo quy định tại Phụ lục 02:

+ Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối tổng thời gian dưới 03 tháng: cán bộ thu chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ theo Phụ lục 02 trước khi truy thu.

+ Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối tổng thời gian từ 03 đến 06 tháng: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cán bộ thu lập biên bản (Mẫu D04h-TS), trình Giám đốc BHXH phê duyệt.

+ Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối tổng thời gian trên 06 tháng trở lên: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cán bộ thu lập biên bản (Mẫu D04h-TS), trình Giám đốc BHXH thực hiện thanh tra đột xuất và xử lý theo quy định.

Mẫu D04h-TS

3.3.Tiền lương làm căn cứ truy thu, tỷ lệ truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

- Tiền lương làm căn cứ truy thu là tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với người lao động theo quy định của pháp luật tương ứng thời gian truy thu, tiền lương này được ghi trong sổ BHXH của người lao động.

- Tỷ lệ truy thu: tính bằng tỷ lệ (%) tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từng thời kỳ do Nhà nước quy định.

3.4. Số tiền truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

- Tổng số tiền truy thu bằng tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và tiền lãi.

- Số tiền lãi truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính như sau:

Trong đó:

Ltt: tiền lãi truy thu;

v: số tháng trốn đóng trong năm j phải truy thu;

y: số năm phải truy thu;

Pttij: Số tiền phải truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của tháng i trong năm j;

Nij: thời gian trốn đóng tính bằng số tháng kể từ tháng trốn đóng i của năm j đến tháng trước liền kề tháng thực hiện truy thu, theo công thức sau:

Nij = (T0 - Tij) - 1                      

Trong đó:

T0: tháng tính tiền truy thu (theo dương lịch);

Tij: tháng phát sinh số tiền phải đóng Pttij (tính theo dương lịch);

kj: lãi suất tính lãi truy thu (%)

+ Đối với truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN do trốn đóng mà có thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016 thì kj được tính theo mức lãi suất chậm đóng tính theo tháng áp dụng đối với năm 2016; 

Thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi thì kj được tính theo mức lãi suất chậm đóng tính theo tháng áp dụng đối với từng năm.

+ Đối với truy thu BHXH bắt buộc truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước và truy thu BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN điều chỉnh tăng tiền lương thì kj được tính bằng mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề năm tính truy thu.

3.5. Ví dụ về truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

Doanh nghiệp M trốn đóng BHXH đối với người lao động; tháng 5/2016 cơ quan BHXH phát hiện và truy thu BHXH đối với Doanh nghiệp M. Diễn biến số tiền trốn đóng BHXH phải truy thu và số tiền lãi truy thu theo bảng sau:

(Đơn vị tính: đồng)

Số TT

Tháng trốn đóng

Số tiền trốn đóng/tháng

Thời gian trốn đóng phải tính lãi (tháng)

Lãi suất tính lãi (%/tháng)

Số tiền lãi

1

1/2015

50.000.000

15

1,065%

7.987.500

2

2/2015

60.000.000

14

1,065%

8.946.000

3

5/2015

65.000.000

11

1,065%

7.614.750

4

6/2015

70.000.000

10

1,065%

7.455.000

 

Cộng

245.000.000

 

 

32.003.250

Nếu trong trường hợp trong tháng 5/2016, Doanh nghiệp M không nộp số tiền truy thu BHXH 245.000.000 đồng và tiền lãi truy thu 32.003.250 đồng thì:

Sang tháng 6/2016, ngoài việc vẫn phải nộp đủ số tiền truy thu BHXH (245.000.000 đồng) và tiền lãi (32.003.250 đồng), tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 6/2016 và tiền nợ và tiền lãi chậm đóng (nếu có), Doanh nghiệp M còn phải nộp thêm tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền BHXH truy đóng còn nợ là 2.609.250 đồng (245.000.000 đồng x 1,065%).

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 55,726

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]