Bộ đội Biên phòng là ai? Quy định về quân phục của Bộ đội Biên phòng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/10/2022 15:01 PM

Bộ đội biên phòng là ai? Quân phục của Bộ đội Biên phòng được quy định như thế nào? - Hòa An (Tây Ninh)

Bộ đội Biên phòng là ai? Quy định về quân phục của Bộ đội Biên phòng

Bộ đội Biên phòng là ai? Quy định về quân phục của Bộ đội Biên phòng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bộ đội Biên phòng là ai?

Theo khoản 1 Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 thì Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 2 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 thì cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế của Bộ đội Biên phòng.

2. Quân phục của Bộ đội Biên phòng

Quân phục của Bộ đội Biên phòng theo Chương III Nghị định 82/2016/NĐ-CP bao gồm:

2.1. Cấp hiệu của Bộ đội Biên phòng

- Cấp hiệu của sĩ quan, học viên là sĩ quan:

+ Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc.

+ Nền cấp hiệu riêng: Bộ đội Biên phòng màu xanh lá cây. Nền cấp hiệu của sĩ quan cấp tướng có in chìm hoa văn mặt trống đồng, tâm mặt trống đồng ở vị trí gắn cúc cấp hiệu.

+ Đường viền cấp hiệu: Bộ đội Biên phòng màu đỏ tươi.

+ Trên nền cấp hiệu gắn: Cúc cấp hiệu, gạch, sao màu vàng. Cúc cấp hiệu hình tròn, dập nổi hoa văn (cấp tướng hình Quốc huy; cấp tá, cấp úy hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh ở giữa). Cấp hiệu của cấp tướng không có gạch ngang, cấp tá có 02 gạch ngang, cấp úy có 01 gạch ngang, số lượng sao:

++ Thiếu úy, Thiếu tá, Thiếu tướng: 01 sao;

++ Trung úy, Trung tá, Trung tướng: 02 sao;

++ Thượng úy, Thượng tá, Thượng tướng: 03 sao;

++ Đại úy, Đại tá, Đại tướng: 04 sao.

- Cấp hiệu của quân nhân chuyên nghiệp:

Thực hiện theo cấp hiệu của sĩ quan, học viên là sĩ quan nhưng trên nền cấp hiệu có 01 đường màu hồng rộng 5mm ở chính giữa theo chiều dọc.

- Cấp hiệu hạ sĩ quan - binh sĩ:

+ Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc.

+ Nền cấp hiệu: Bộ đội Biên phòng màu xanh lá cây.

+ Đường viền cấp hiệu: Bộ đội Biên phòng màu đỏ tươi.

+ Trên nền cấp hiệu gắn: Cúc cấp hiệu, vạch ngang hoặc vạch hình chữ V màu đỏ. Cúc cấp hiệu dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh ở giữa. Số vạch ngang hoặc vạch hình chữ V:

++ Binh nhì: 01 vạch hình chữ V;

++ Binh nhất: 02 vạch hình chữ V;

++ Hạ sĩ: 01 vạch ngang;

++ Trung sĩ: 02 vạch ngang;

++ Thượng sĩ: 03 vạch ngang.

2.2. Phù hiệu của Bộ đội Biên phòng

- Cành tùng màu vàng, gồm hai loại:

+ Cành tùng đơn của sĩ quan cấp tướng;

+ Cành tùng đơn của sĩ quan cấp tá, cấp úy.

- Nền, hình phù hiệu:

+ Nền phù hiệu hình bình hành; Bộ đội Biên phòng màu xanh lá cây. Nền phù hiệu của cấp tướng có viền màu vàng rộng 5mm ở 03 cạnh.

+ Hình phù hiệu có màu vàng: Hình thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo, trên vòng tròn không khép kín, trên hình vòng cung có ký hiệu đường biên giới Quốc gia.

2.3. Phù hiệu kết hợp cấp hiệu của Bộ đội Biên phòng

- Nền phù hiệu hình bình hành màu xanh lá cây. Nền phù hiệu của cấp tướng có viền màu vàng rộng 5mm ở 03 cạnh.

- Trên nền phù hiệu:

+ Cấp tướng: Gắn hình phù hiệu, sao màu vàng, riêng cấp tướng binh chủng hợp thành không gắn hình phù hiệu. Số lượng sao:

++ Thiếu tướng: 01 sao;

++ Trung tướng: 02 sao;

++ Thượng tướng: 03 sao;

++ Đại tướng: 04 sao.

+ Sĩ quan, học viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp: Gắn hình phù hiệu, gạch dọc và sao màu vàng. Cấp tá 02 gạch dọc, cấp úy 01 gạch dọc. Số lượng sao:

++ Thiếu úy, Thiếu tá: 01 sao;

++ Trung úy, Trung tá: 02 sao;

++ Thượng úy, Thượng tá: 03 sao;

++ Đại úy, Đại tá: 04 sao.

+ Hạ sĩ quan: Gắn hình phù hiệu, 01 vạch dọc và sao màu vàng. Số lượng sao:

++ Thượng sĩ: 03 sao;

++ Trung sĩ: 02 sao;

++ Hạ sĩ: 01 sao.

+ Binh sĩ: Gắn hình phù hiệu, sao màu vàng. Số lượng sao:

++ Binh nhất: 02 sao;

++ Binh nhì: 01 sao.

+ Học viên đào tạo sĩ quan; học viên đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật: Gắn hình phù hiệu, 01 vạch dọc màu vàng ở giữa. Vạch dọc của Học viên đào tạo sĩ quan rộng 5mm, của học viên đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật rộng 3 mm.

2.4. Trang phục dự lễ mùa đông của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Bộ đội Biên phòng

- Mũ kêpi:

+ Kiểu mẫu: Mũ có đỉnh hình ô van; cúc chốt mũ của cấp tướng dập nổi hình Quốc huy, của cấp tá, cấp úy dập nổi hình ngôi sao năm cánh; ở giữa cầu mũ phía trước có tán ô dê để đeo quân hiệu, phía trước trên lưỡi trai có dây coóc đông, phía dưới lưỡi trai có hình hai bông lúa.

+ Màu sắc:

++ Đỉnh mũ của Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm; 

++ Thành mũ của Bộ đội Biên phòng màu xanh lá cây; 

++ Lót thành cầu, bọc lưỡi trai, dây quai mũ màu đen.

++ Dây coóc đông, bông lúa màu vàng.

- Quần, áo khoác:

+ Kiểu mẫu:

++ Áo khoác: Kiểu dài tay, ve chữ V, thân trước có 04 túi ốp nổi, thân sau có sống sau xẻ dưới, vai áo có dây vai đeo cấp hiệu, áo có lót thân và tay. 

++ Quần: Kiểu quần âu dài, có 02 túi chéo, cửa quần mở suốt kéo khóa fecmơtuya.

+ Màu sắc: Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm

- Áo sơ mi mặc trong: Kiểu áo buông, mặc bỏ trong quần, dài tay, cổ đứng, màu trắng.

- Caravat: Kiểu thắt sẵn, cùng màu áo khoác.

- Dây lưng: Bộ đội Biên phòng màu nâu. Khóa dây lưng bằng kim loại màu vàng có dập nổi ngôi sao năm cánh nội tiếp trong vòng tròn.

- Giày da: Màu đen; cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc Hải quân kiểu giày mũi trơn, cột dây cố định; cấp tá kiểu mũi có vân ngang, cột dây cố định; cấp úy kiểu mũi có vân ngang, buộc dây.

- Bít tất: Kiểu dệt ống, cùng màu với quần.

2.5. Trang phục dự lễ mùa đông của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Bộ đội Biên phòng

- Mũ mềm:

+ Kiểu mẫu: Kiểu mũ vải liền vành xung quanh, lật hai bên tai và sau gáy, phía trước trán có tán ôdê để đeo quân hiệu, phía trước trên lưỡi trai có dây coóc đông, phía dưới lưỡi trai có hình hai bông lúa.

+ Màu sắc: Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm. Dây coóc đông, bông lúa màu vàng.

- Quần, áo khoác:

+ Kiểu mẫu:

++ Áo khoác: Kiểu dài tay, ve chữ V, phía dưới thân trước có 02 túi ốp nổi, áo có chiết vai và eo, thân sau có sống sau xẻ dưới, vai có dây vai đeo cấp hiệu. Áo của Hải quân, phía trên bác tay có các đường viền thể hiện cấp bậc.

++ Quần: Kiểu quần âu dài, có hai túi dọc, cửa quần mở suốt kéo khóa fecmơtuya.

+ Màu sắc: Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm.

- Áo sơ mi mặc trong: Kiểu áo buông, có chít eo, mặc bỏ trong quần, dài tay, cổ đứng, màu trắng.

- Caravat: Kiểu thắt sẵn, cùng màu áo khoác.

- Giày da: Kiểu mũi vuông trơn, gót cao, nẹp ôdê luồn dây trang trí, màu đen.

- Bít tất: Kiểu dệt ống, cùng màu với quần.

2.6. Trang phục dự lễ mùa hè của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Bộ đội Biên phòng

- Mũ kêpi, quần, dây lưng, giày da, bít tất: Màu sắc, kiểu mẫu thực hiện theo mục 2.4.

- Áo:

+ Kiểu mẫu: Kiểu áo ký giả ngắn tay, ve chữ V, thân trước có 04 túi ốp nổi, thân sau có sống sau xẻ dưới, vai áo có dây vai đeo cấp hiệu.

+ Màu sắc: Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm.

2.7. Trang phục dự lễ mùa hè của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Bộ đội Biên phòng

- Mũ mềm: Kiểu mẫu, màu sắc thực hiện theo quy định tại mục 2.5.

- Váy, áo

+ Kiểu mẫu:

++ Áo: Kiểu áo ký giả ngắn tay, ve chữ V, phía dưới thân trước có 02 túi ốp nổi, áo có chiết vai và eo, thân sau có sống sau xẻ dưới, vai có dây vai đeo cấp hiệu.

++ Váy: Kiểu ôm sát người, dài dưới gối, có lớp vải lót trong, phía dưới thân sau có xẻ.

+ Màu sắc: Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm.

- Ghệt da: Ghệt cao cổ có khóa kéo, cổ ghệt cao ngang bắp chân, mũi trơn, mặt đế có hoa văn chống trơn; màu đen.

- Quần tất: Màu da chân.

2.8. Một số loại trang phục khác của Bộ đội Biên phòng

- Trang phục dự lễ;

- Trang phục thường dùng;

- Trang phục dã chiến;

- Trang phục nghiệp vụ;

- Trang phục công tác.

3. Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng

Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng theo Điều 15 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 bao gồm:

- Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thực thi nhiệm vụ; áp dụng hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo Điều 19 và Điều 20 Luật Biên phòng Việt Nam 2020.

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực và các loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; 

Kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

- Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

- Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở theo Điều 11 Luật Biên phòng Việt Nam 2020.

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại Điều 17 Luật Biên phòng Việt Nam 2020.

- Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự tại Điều 18 Luật Biên phòng Việt Nam 2020.

- Trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa;

Truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy từ trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, các nước khác và tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Quy định về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng

Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng theo Điều 17 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 như sau:

- Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền trên biển, sông biên giới;

Trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;

+ Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

+ Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.

- Trường hợp nổ súng theo quy định thì cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

5. Trang bị của Bộ đội Biên phòng

Bộ đội Biên phòng được trang bị theo Điều 22 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 như sau:

- Bộ đội Biên phòng được trang bị phương tiện quân sự, dân sự, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

- Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,063

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn