Thanh tra nhà nước và 04 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/10/2022 16:02 PM

Cho tôi hỏi thế nào là thanh tra nhà nước? Thanh tra nhà nước bao gồm các cơ quan nào? - Đình Hoàng (Đồng Nai)

Thanh tra nhà nước và 04 điều cần biết

Thanh tra nhà nước và 04 điều cần biết

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là thanh tra nhà nước?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra 2010, thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thanh tra nhà nước bao gồm:

- Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.

(Khoản 2, 3 Điều 3 Luật Thanh tra 2010)

2. Nguyên tắc hoạt động của thanh tra nhà nước

Hoạt động thanh tra hành chính được tiến hành theo Đoàn thanh tra; hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo Đoàn thanh tra hoặc do Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập.

Cụ thể tại Điều 7 Luật Thanh tra 2010, các nguyên tắc hoạt động của thanh tra nhà nước bao gồm:

- Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.

- Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

3. Các cơ quan thanh tra nhà nước

Cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm:

- Thanh tra Chính phủ;

- Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra bộ);

- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);

- Thanh tra sở;

- Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện).

(Điều 4, 5 Luật Thanh tra 2010)

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra nhà nước

Cụ thể tại Điều 13 Luật Thanh tra 2010, các hành vi bị nghiêm cấm trong thanh tra nhà nước bao gồm:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

- Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao.

- Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

- Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.

- Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

- Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thanh tra nhà nước; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra.

- Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

- Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Thanh tra viên có được tự mình tiến hành cuộc thanh tra độc lập mà không cần phải thành lập đoàn thanh tra hay không?

Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông có giống nhau không? Các nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông được quy định như thế nào?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,609

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]