Tòa án nhân dân tối cao là gì? Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/10/2022 15:30 PM

Tôi muốn biết cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao được quy định thế nào theo pháp luật Việt Nam? - Khánh Công (Hậu Giang)

Tòa án nhân dân tối cao là gì? Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao

Tòa án nhân dân tối cao là gì? Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tòa án nhân dân tối cao là gì?

Theo khoản 1 Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao

2.1. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới mười ba người và không quá mười bảy người, bao gồm: Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trong đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng;

- Ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật;

- Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử;

- Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;

- Tham gia ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.

(Khoản 1, 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014)

2.2. Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao

Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao gồm các vụ và các đơn vị tương đương. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tổ chức bộ máy; nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc.

(Điều 24 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014)

2.3. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.

Việc thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo quy định của luật.

(Điều 25 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014)

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao

Cụ thể tại Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Tòa án nhân dân tối cao có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

- Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.

- Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

- Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.

- Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.

- Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.

>>> Xem thêm: Để trở thành Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

Có những loại hồ sơ vụ án nào? Nguyên tắc quản lý hồ sơ vụ án trong hệ thống Tòa án nhân dân năm 2022?

Tham dự kỳ thi công chức ngạch Thư ký viên tại Tòa án nhân dân năm 2022 cần chuẩn bị hồ sơ dự tuyển như thế nào?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 41,480

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn