8 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
08/10/2022 15:30 PM

Ngoài học phí, BHYT thì học sinh phải đóng những khoản nào? Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu những khoản tiền nào của học sinh?

1. Các khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh

Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau:

- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

+ Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

+ Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

+ Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

+ Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

+ Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

+ Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

+ Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Như vậy, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định về 8 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh thông qua việc quyên góp của người học hoặc gia đình người học như trên.

2. Các khoản tiền nhà trường được phép thu

Bên cạnh các khoản tiền nhà trường không được thu của học sinh nêu trên, nhà trường được phép thu những khoản tiền sau:

2.1 Học phí

Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về khung học phí năm học 2022 – 2023 như sau:

- Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:

Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng

Vùng

Năm học 2022 - 2023

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Thành thị

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 650

Từ 300 đến 650

Nông thôn

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 270

Từ 200 đến 330

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 170

Từ 100 đến 220

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.

2.2 Bảo hiểm y tế

Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) và Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì:

- Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế.

- Học sinh là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.

(Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng).

Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh là: 1.490.000 đồng (lương cơ sở) x 4,5% (mức đóng của học sinh) x 70% (Nhà nước hỗ trợ 30%) x 12 tháng = 563.220 đồng/học sinh/năm.

2.3 Quần áo, đồng phục học sinh

Theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

Ngoài ra, các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh; dạy thêm, học thêm trong nhà trường, … sẽ được áp dụng theo tùy từng địa phương, đơn vị. 

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 108,498

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn