Thế nào là khí nhà kính? Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/10/2022 11:39 AM

Khí nhà kính bao gồm những loại nào? Nhà nước đã đưa ra các biện pháp gì nhằm thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính? - Thu Thủy (Quảng Nam)

Thế nào là khí nhà kính? Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Thế nào là khí nhà kính? Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là khí nhà kính?

Theo khoản 29 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, khí nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.

Cụ thể, các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3).

(Khoản 1 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

2. Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường 2020, bao gồm:

- Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế;

- Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan;

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

- Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

3. Các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định từ Điều 30 đến Điều 33 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

3.1. Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác

- Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quốc gia thực hiện các công ước, điều ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn có trách nhiệm chủ trì đàm phán xây dựng, triển khai thực hiện, cung cấp thông tin về tình hình thực hiện các cơ chế, phương thức hợp tác theo quy định của các điều ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác song phương, đa phương về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

(Điều 30 Nghị định 06/2022/NĐ-CP)

3.2. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

- Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

- Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn bảo đảm các mục tiêu quốc gia, ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn.

(Điều 31 Nghị định 06/2022/NĐ-CP)

3.3. Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức

Theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các biện pháp tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức bao gồm:

- Tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn;

- Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cơ sở, ngành và địa phương; kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát;

- Phổ cập nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn thông qua hệ thống giáo dục các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng;

- Đưa nội dung thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn vào hoạt động của các hội khoa học kỹ thuật, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác;

- Tổ chức các phòng trưng bày sản phẩm, công nghệ, tổ chức các cuộc thi sáng tạo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

3.4. Khuyến khích các hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính 

Việc khuyến khích các hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định tại Điều 33 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

- Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiêu hủy các chất gây hiệu ứng nhà kính này được áp dụng cơ chế hợp tác, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo quy định tại Điều 20 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

- Tổ chức, cá nhân có hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, sử dụng các chất thay thế thân thiện khí hậu được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

- Tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển đổi công nghệ nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn; cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý các chất được kiểm soát được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

>>> Xem thêm: Đối tượng nào phải giảm nhẹ thải khí nhà kính? Lĩnh vực nào phải lập danh mục kiểm kê khí nhà kính?

Quy định về hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính năm 2022?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,375

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]