Phổ cập giáo dục là gì? Các đối tượng phổ cập giáo dục

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
17/09/2022 11:30 AM

Cho tôi hỏi phổ cập giáo dục là gì? Những đối tượng nào hiện nay được áp dụng phổ cập giáo dục? - Thanh Huyền (Ninh Thuận)

Phổ cập giáo dục là gì? Các đối tượng phổ cập giáo dục

Phổ cập giáo dục là gì? Các đối tượng phổ cập giáo dục

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phổ cập giáo dục là gì?

Theo khoản 8 Điều 5 Luật Giáo dục 2019, phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm thực hiện phổ cập giáo dục

Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc như sau:

- Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

- Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

- Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

3. Các đối tượng phổ cập giáo dục

3.1. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi

* Đối tượng áp dụng phổ cập giáo dục:

Đối tượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là trẻ em 5 tuổi chưa hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

* Chương trình giáo dục:

Chương trình giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là chương trình giáo dục mầm non dành cho mẫu giáo 5 - 6 tuổi.

* Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục:

Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quy định như sau:

- Đối với cá nhân: Hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

- Đối với xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã):

+ Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp đạt ít nhất 95%; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 90%;

+ Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 85%; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

- Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là huyện): Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

- Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh): Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

(Theo Điều 4, 5, 6 Nghị định 20/2014/NĐ-CP)

3.2. Phổ cập giáo dục tiểu học

* Đối tượng áp dụng phổ cập giáo dục:

Đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

* Chương trình giáo dục:

Chương trình giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

* Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục:

Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học được quy định như sau:

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 khi đáp ứng các tiêu chí:

+ Đối với cá nhân: Hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

+ Đối với xã:

++ Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 90%;

++ Tỷ lệ trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.

+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1.

+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1.

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 khi đáp ứng các tiêu chí:

+ Đối với xã:

++ Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1;

++ Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 95%;

++ Tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%; các trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học.

+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.

+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 khi đáp ứng các tiêu chí:

+ Đối với xã:

++ Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2;

++ Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 98%;

++ Tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 90%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; các trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học.

+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

(Theo Điều 7 đến Điều 11 Nghị định 20/2014/NĐ-CP)

3.3. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở

* Đối tượng áp dụng phổ cập giáo dục:

Đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở là thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến 18 đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.

* Chương trình giáo dục:

Chương trình giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở là chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

* Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục:

Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở được quy định như sau:

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 khi đáp ứng các tiêu chí:

+ Đối với cá nhân: Được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

+ Đối với xã:

++ Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1;

++ Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.

+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 khi đáp ứng các tiêu chí:

+ Đối với xã:

++ Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1;

++ Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 90%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

+ Đối với huyện: Có ít nhất 95% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 khi đáp ứng các tiêu chí:

+ Đối với xã:

++ Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2;

++ Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 95%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 90%;

++ Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.

+ Đối với huyện: Có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

(Theo Điều 12 đến Điều 16 Nghị định 20/2014/NĐ-CP)

>>> Xem thêm: Trẻ em bao nhiêu tuổi thuộc diện được phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học theo quy định của pháp luật?

Đối tượng nào được phổ cập giáo dục trung cơ sở? Có mấy mức độ để xét tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở?

Giáo viên dạy phổ cập giáo dục được nhận chế độ chính sách như thế nào? Nguồn kinh phí để thực hiện chi chế độ chính sách được lấy từ đâu?

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 63,810

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn