Chào hàng và chấp nhận chào hàng trong thương mại quốc tế
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 14 Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) (sau đây gọi tắt là Công ước Viên 1980), chào hàng là một đề nghị ký kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều người xác định nếu có đủ sự chính xác về hàng hóa và chỉ rõ ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc mình trong trường hợp có sự chấp nhận chào hàng đó.
Trong đó, một đề nghị được xem là đủ sự chính xác khi nêu rõ hàng hóa và ấn định số lượng về giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định những yếu tố này.
Theo khoản 1 Điều 18 Công ước Viên 1980 (CISG), chấp nhận chào hàng của người được chào hàng chỉ có giá trị pháp lý chỉ khi thể hiện bằng một lời tuyên bố hay một hành vi khác cho thấy sự đồng ý của mình đối với chào hàng đó.
Theo đó, sự im lặng hoặc không có sự hành đồng của người được chào hàng sẽ không được xem mặc nhiên là chấp nhận sự chào hàng đó.
*Giá trị pháp lý của chào hàng
Theo khoản 1 Điều 15 Công ước viên 1980 (CISG), chào hàng có giá trị pháp khi lời đề nghị đó tới nơi của người được giao hàng và sẽ bị ràng buộc nghĩa vụ của mình bởi những điều cam kết của mình trong chào hàng đối với người được chào hàng
Tuy nhiên, các trường hợp chào hàng sau đây sẽ không giá trị pháp lý ràng buộc với người chào hàng:
- Chào hàng không đến tay người được chào hàng
- Người chào hàng nhận được thông báo việc từ chối chào hàng của người được chào hàng được quy định tại Điều 17 Công ước Viên 1980 (CISG): “Chào hàng, dù là loại không hủy ngang, sẽ mất hiệu lực khi người chào hàng nhận được thông báo về việc từ chối chào hàng”.
- Thông báo hủy chào hàng đến tay người được chào hàng trước hoặc cùng một lúc với chào hàng được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Công ước viên 1980 (CISG): “Chào hàng dù là loại chào hàng không hủy ngang vẫn có thể bị hủy nếu như thông báo về việc hủy chào hàng đến người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng”.
- Thông báo việc hủy chào hàng tới tay người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận chào hàng quy định tại khoản 1 Điều 16 Công ước viên 1980 (CISG): “Cho tới khi hợp đồng được giao kết, người chào hàng vẫn có thể hủy ngang chào hàng, nếu người được chào hàng nhận được thông báo về việc hủy ngang trước khi người này gửi thông báo chấp nhận chào hàng”.
*Các trường hợp chào hàng không bị hủy bỏ
Các trường hợp chào hàng không bị hủy bỏ được quy định tại khoản 2 Điều 16 Công ước Viên 1980 (CISG) như sau:
- Nếu chào hàng chỉ rõ bằng cách ấn định một thời hạn xác định để chấp nhận hay bằng cách khác sẽ không thể bị hủy bỏ.
- Nếu trong trường hợp người chào hàng quy định trong chào hàng rằng chào hàng sẽ không thể bị hủy bỏ thì người chào hàng không thể viện vào bất cứ lý do gì để thoát khỏi trách nhiệm của mình đối với nội dung chào hàng.
- Nếu người được chào hàng đã coi chào hàng là loại chào hàng không thể bị hủy bỏ là hợp lý và người được chào hàng đã hành động một cách hợp lý.
*Hiệu lực chấp nhận chào hàng
Theo khoản 2 Điều 18 Công ước Viên 1980 (CISG) quy định về hiệu lực chấp nhận chào hàng như sau:
- Chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ khi người chào hàng nhận được chấp nhận. Chấp thuận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu sự chấp nhận ấy không được gửi tới người chào hàng trong thời hạn mà người này đã quy định trong chào hàng.
- Nếu thời hạn đó không được quy định như vậy, thì trong một thời hạn hợp lý, xét theo các tình tiết của sự giao dịch, trong đó có xét đến tốc độ của các phương tiện liên lạc do người chào hàng sử dụng. Một chào hàng bằng miệng phải được chấp nhận ngay trừ phi các tình tiết bắt buộc ngược lại.
*Hủy bỏ chấp nhận chào hàng
Theo Điều 22 Công ước Viên 1980 (CISG), chấp nhận chào hàng có thể bị hủy nếu thông báo về việc hủy chào hàng tới nơi người chào hàng trước hoặc cùng một lúc khi chấp nhận có hiệu lực.
Khi đó, quy định hủy bỏ chấp nhận chào hàng này chỉ được áp dụng khi mà trước đó người được chào hàng đã chấp nhận chào hàng và đưa một thông báo chính thức bằng văn bản đối với người chào hàng nhưng ngay sau đó họ đã thay đổi quyết định của mình là không chấp nhận chào hàng và gửi thông báo hủy cho người chào hàng.