Tải app trên IOS

Thủ tục giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
30/07/2022 16:21 PM

Người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện sẽ được giải quyết cho hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Dưới đây là thủ tục giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Thủ tục giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN

1. Hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, BNN

1.1. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

+ Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1.2. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

+ Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(Điều 57, 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)

2. Hồ sơ yêu cầu trợ cấp TNLĐ, BNN của người sử dụng lao động

- Đối với người lao động được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gồm các tài liệu sau:

+ Biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh, hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương.

+ Biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động) hoặc biên bản xác định người lao động bị chết của cơ quan pháp y hoặc tuyên bố chết của tòa án đối với những trường hợp mất tích.

+ Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH).

+ Văn bản xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về (nếu có), đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 5 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Nội dung văn bản xác nhận tham khảo theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.

- Đối với người lao động được hưởng chế độ bồi thường bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gồm các tài liệu sau:

+ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.

+ Biên bản xác định người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp của cơ quan pháp y hoặc biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp) và kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền.

+ Quyết định bồi thường bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH).

- Số lượng hồ sơ: Hồ sơ được lập thành 3 bộ, trong đó:

+ Người sử dụng lao động giữ một bộ.

+ Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (hoặc thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp) giữ một bộ.

+ Một bộ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính, trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trợ cấp tai nạn lao động.

(Điều 6 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH)

3. Thủ tục giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN

Căn cứ Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về việc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Mục 1 nêu trên.

Bước 2: giải quyết hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 

Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Thủ tục giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN chậm so với thời hạn quy định

Tại Điều 61 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về việc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định như sau:

- Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Mục 3 và khoản 1 Điều 60 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì:

Phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp:

+ Do lỗi của bản thân người lao động

+ Do lỗi của thân nhân của người lao động được hưởng chế độ tử tuất.

Mẫu Quyết định bồi thường, trợ cấp TNLĐ của NSDLĐ
Mẫu Quyết định bồi thường bệnh nghề nghiệp của NSDLĐ
Văn bản xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về

>>> Xem thêm: Mẫu báo cáo tình hình tai nạn lao động mới nhất năm 2022? Thời điểm báo cáo tai nạn lao động hàng năm?

Tai nạn lao động là gì? Người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?

Điều kiện và mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp năm 2022 được quy định như thế nào? Hồ sơ gồm những gì?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 52,251

Bài viết về

Tai nạn lao động

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]