Biểu mẫu 18/05/2024 11:30 AM

Mẫu báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
18/05/2024 11:30 AM

Mẫu báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được quy định thế nào? - Bảo Trang (Bình Dương)

Mẫu báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động mới nhất

Mẫu báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 58/2020/NĐ-CP thì báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động là bản báo cáo đánh giá các điều kiện để làm căn cứ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Mẫu báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động mới nhất

Mẫu báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP.

Mẫu số 02

3. Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động dùng để làm gì?

Theo Điều 7 Nghị định 58/2020/NĐ-CP thì báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động làm căn cứ xem xét áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được thực hiện bởi tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Là tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động Hạng C (được huấn luyện người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động) đang còn hiệu lực theo quy định.

- Sử dụng chuyên gia đánh giá an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức trong quá trình thực hiện đánh giá. Chuyên gia đánh giá là người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cơ hữu của tổ chức và được bồi dưỡng, sát hạch đạt yêu cầu về nghiệp vụ đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

- Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

- Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

- Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

- Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.

- Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

- Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

- Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,610

Bài viết về

Tai nạn lao động

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]