Kế hoạch tổ chức thi tuyển Kiểm tra viên năm 2022 (Ảnh minh họa)
Trên cơ sở chỉ tiêu số lượng Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân đã được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao và nhu cầu cần bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp của mỗi đơn vị năm 2022.
- Kiểm tra viên cao cấp:
Các đối tượng dự thi tuyển Kiểm tra viên cao cấp, bao gồm: Kiểm tra viên chính, Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Chuyên viên chính đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (trừ Cơ quan điều tra).
- Kiểm tra viên chính:
Các đối tượng dự thi tuyển Kiểm tra viên chính, bao gồm: Kiểm tra viên, Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Chuyên viên đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (trừ Cơ quan điều tra).
Trường hợp khác (dự thi Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính), căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và công tác tổ chức cán bộ, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
Ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của từng ngạch như sau:
- Đối với Kiểm tra viên cao cấp
+ Đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên quy định tại Điều 2 Nghị quyết 924/2015/UBTVQH13;
+ Đang giữ ngạch Kiểm tra viên chính hoặc tương đương (Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Chuyên viên chính) và đã có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính từ đủ 05 năm trở lên (tính đến ngày 31/12/2022);
Trường hợp đã có thời gian giữ ngạch chức danh tư pháp khác tương đương thì thời gian giữ ngạch đó được tính vào thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính;
+ Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.
- Đối với Kiểm tra viên chính
+ Đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên quy định tại Điều 2 Nghị quyết 924/2015/UBTVQH13;
+ Đang giữ ngạch Kiểm tra viên hoặc tương đương (Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Chuyên viên) và đã có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên từ đủ 05 năm trở lên (tính đến ngày 31/12/2022).
Trường hợp đã có thời gian giữ ngạch chức danh tư pháp khác tương đương thì thời gian giữ ngạch đó được tính vào thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên;
+ Là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện của từng ngạch nêu trên, các ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Được cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá quá trình công tác liên tục trong 03 năm trước đó (2019, 2020, 2021) hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trường hợp trong 03 năm trước đó có 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ thì phải có ít nhất 01 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì được xem xét;
Đồng thời, phải được tập thể lãnh đạo và cấp uỷ cơ quan, đơn vị nơi ứng viên công tác đồng ý và thống nhất cử ứng viên đăng ký tham gia dự thi tuyển;
- Được cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi ứng viên cư trú thường xuyên (12 tháng trở lên) nhận xét tốt về việc chấp hành pháp luật của ứng viên và gia đình tại nơi cư trú;
- Không trong thời gian xem xét hoặc bị thi hành kỷ luật;
- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức theo quy định.
- Hình thức thi: thi môn chuyên ngành, hình thức thi viết 180 phút và thi trắc nghiệm 60 phút.
- Nội dung thi:
+ Kiến thức liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân;
+ Chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính (theo các lĩnh vực của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, hình sự, dân sự, hành chính và các văn bản liên quan đang có hiệu lực thi hành).
- Thời gian thi: Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ có thông báo cụ thể sau.
- Địa điểm thi:
+ Tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đối với ứng viên của đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các tỉnh từ Quảng Trị trở ra (thi Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp).
+ Tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với ứng viên của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào (thi Kiểm tra viên chính).
- Cách tính điểm: Bài thi được chấm theo thang điểm 100 đối với mỗi hình thức thi. Cụ thể:
+ Điểm thi viết: 100, tính hệ số 2;
+ Điểm thi trắc nghiệm: 100, tính hệ số 1.
- Đơn đăng ký dự thi tuyển;
- Tờ trình về việc cử người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và khả năng để dự thi tuyển;
- Sơ yếu lý lịch của công chức (khai theo mẫu quy định không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức;
- Bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất;
- Nhận xét, đánh giá của lãnh đạo và cấp uỷ cơ quan, đơn vị;
- Bản sao có công chứng các giấy tờ về:
+ Trình độ cử nhân luật và nghiệp vụ kiểm sát (đối với người dự thi không giữ ngạch Kiểm tra viên, Kiểm sát viên tại thời điểm đăng ký dự thi);
+ Trình độ lý luận chính trị (đối với người dự thi Kiểm tra viên cao cấp);
- Bản sao các Quyết định liên quan của cá nhân (được cơ quan có thẩm quyền chứng thực), gồm:
+ Quyết định tuyển dụng công chức;
+ Quyết định bổ nhiệm ngạch công chức hiện giữ và tương đương (nếu có);
- Nhận xét đánh giá của cấp ủy hoặc chính quyền nơi cư trú;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (có giá trị trong thời hạn 12 tháng).
Xem chi tiết tại Kế hoạch 70/KH-VKSTC ngày 12/5/2022.
Xuân Thảo