05 điều cần biết về bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/02/2022 17:28 PM

Để đảm bảo khả năng thực hiện hợp đồng giữa các bên, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã ra đời, một trong số các biện pháp đó là bảo lãnh. Vậy bảo lãnh được hiểu như thế nào và được áp dụng ra sao trong quan hệ hợp đồng?

05 điều cần biết về bảo lãnh thực hiện hợp đồng

05 điều cần biết về bảo lãnh thực hiện hợp đồng (Ảnh minh họa)

1. Khái niệm bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được quy định tại khoản 7 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015.

Khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) nếu khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được nhận bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 44 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh phát sinh khi bên được bảo lãnh có những hành vi sau:

- Không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn;

- Không thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn theo thỏa thuận;

- Thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ;

- Thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ;

- Không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp có căn cứ phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh thông báo cho bên bảo lãnh biết để thực hiện nghĩa vụ và bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ này trong thời hạn đã thỏa thuận. Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện trong thời gian hợp lý.

Đối với các nghĩa vụ không thuộc phạm vi cam kết bảo lãnh, bên bảo lãnh có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ.

Khi bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận bảo lãnh phải thông báo cho bên được bảo lãnh biết.

Lưu ý: Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả cho mình tài sản đã nhận hoặc giá trị tương ứng phần nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện nếu bên được bảo lãnh vẫn thực hiện nghĩa vụ.

3. Phạm vi bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015 thì phạm vi bảo lãnh trong hợp đồng được xác định:

- Là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của bên được bảo lãnh theo cam kết từ bên bảo lãnh;

- Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì giới hạn của phạm vi bảo lãnh là khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại. Sau thời điểm này, các nghĩa vụ phát sinh sẽ không được bảo lãnh.

4. Mức phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Bên bảo lãnh được nhận một số tiền được xem là thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận về điều này dựa trên quy định tại Điều 337 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 18 Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về mức phí bảo lãnh của ngân hàng như sau:

- Mức phí bảo lãnh được thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên được bảo lãnh;

- Trong trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên căn cứ nào mức phí thu được của bên được bảo lãnh và tỷ lệ tham gia đồng bảo lãnh;

- Trường hợp bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng trừ khi có thỏa thuận khác.

Như vậy, có thể thấy mức phí bảo lãnh trong một hợp đồng thông thường do các bên tự do thỏa thuận.

5. Các trường hợp chấm dứt bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng có thể chấm dứt trong các trường hợp được quy định tại Điều 343 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Khi nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt;

- Việc bảo lãnh trong hợp đồng được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

- Bên bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh;

- Các bên thỏa thuận về việc chấm dứt việc bảo lãnh.

>>> Xem thêm: Ngoài văn bản đề nghị bảo lãnh, hồ sơ đề nghị bảo lãnh còn cần những thành phần nào? Hợp đồng bảo lãnh là loại văn bản được ký giữa những chủ thể nào, gồm những nội dung gì?

Điều kiện để được ngân hàng bảo lãnh hợp đồng là những gì? Hồ sơ để đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?

Bảo lãnh và bảo lĩnh trong hình sự có giống nhau không?

 

Thu Trang

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 91,851

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn