Giao dịch dân sự của người chưa thành niên đương nhiên bị vô hiệu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/02/2022 08:53 AM

Trẻ chưa thành niên mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì giao dịch này có bị vô hiệu không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc về vấn đề vừa nêu.

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên đương nhiên bị vô hiệu?

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên đương nhiên bị vô hiệu? (Ảnh minh họa)

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự thực chất là một loại sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.

Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

1. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi

Theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên được quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 là cha, mẹ của người đó. Do đó, người dưới 06 tuổi muốn xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải thông qua cha, mẹ.

Mặt khác, điểm a khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó sẽ không bị vô hiệu. Giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của một cá nhân có thể được hiểu là những giao dịch như mua lương thực, nhu yếu phẩm hàng ngày.

2. Giao dịch dân sự của người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi

Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Như vậy, người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi muốn xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của cha, mẹ nhưng loại trừ các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

3. Giao dịch dân sự của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Do đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đối với các giao dịch mang tính chất phức tạp, có giá trị lớn như: bất động sản, động sản phải đăng ký… thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật là cha, mẹ thì mới có hiệu lực pháp luật.

4. Giao dịch dân sự của người chưa thành niên có hiệu lực không?

Theo Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015, theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp thì Tòa án sẽ tuyên bố giao dịch vô hiệu đối với giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập, thực hiện nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ các trường hợp sau đây:

Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Từ quy định trên có thể thấy rằng, pháp luật chỉ trao quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với giao dịch dân sự của người chưa thành niên cho người đại diện hợp pháp của họ. Do đó người xác lập giao dịch với người chưa thành niên cần lưu ý cẩn thận để tránh giao dịch bị vô hiệu.

Hạnh Nguyên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,646

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn