Hướng dẫn xác định hiệu lực của 'văn bản quy định chi tiết'

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
24/04/2021 07:55 AM

Bộ Tư pháp có Công văn 1140/BTP-VĐCXDPL ngày 16/4/2021 trả lời vướng mắc về khái niệm và hiệu lực của “văn bản quy định chi tiết”.

Hướng dẫn xác định hiệu lực của “văn bản quy định chi tiết”

Hướng dẫn xác định hiệu lực của “văn bản quy định chi tiết” (Ảnh minh họa)

**Tại khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:

Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết.

Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.

Theo quy định này thì “văn bản quy định chi tiết” là văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể các nội dung được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Việc giao ban hành văn bản quy định chi tiết phải được quy định ngay tại điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nêu rõ cơ quan được ban hành văn bản quy định chi tiết và nội dung giao quy định chi tiết (nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác) phải cụ thể.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được xác định là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thì đương nhiên hết hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết thi hành theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

**Tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định rõ về việc xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực, như sau:

- Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;

- Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết.

Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;

- Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực.

Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,348

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn