Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quá nhiều mâu thuẫn

07/10/2016 07:57 AM

Tại phiên họp sáng qua 6.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cho Chính phủ thêm 4 ngày để hoàn thành các thủ tục và chỉnh lý dự luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nếu không đáp ứng được yêu cầu dự luật sẽ không được đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội tới.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chậm nhất đến 10.10 hoàn thành đầy đủ hồ sơ thì dự luật mới được đưa vào quy trình báo cáo ra QH.

Trước đó, thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đến ngày 29.9 cơ quan này mới nhận được hồ sơ trình của Chính phủ chuyển sang, chậm tới 15 ngày so với quy định. Quá gấp trong khi một số nội dung trong báo cáo thuyết minh, đánh giá tác động không tương thích, thiếu nhất quán với dự thảo luật.

Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng báo cáo đánh giá tác động của dự luật này lại quá lạc quan, khác xa so với thực tế. Theo báo cáo, nhà nước dự kiến sẽ phải bỏ ra khoảng 13.000 tỉ đồng hỗ trợ nhưng tính toán của Bộ Tài chính cho thấy hỗ trợ mà ngân sách phải bỏ ra thông qua các khoản hỗ trợ, bù lãi suất, giảm thuế... lên tới gần 20.000 tỉ đồng. Báo cáo đánh giá tác động cũng cho rằng luật này sẽ giúp đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tăng thu cho ngân sách 260.500 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thống kê cho thấy trong số 480.000 DN đăng ký thì thực tế chỉ có hơn 40% đang hoạt động. Không ít DN “ma”, DN “kiểng” đăng ký thuế, mua hóa đơn để kinh doanh, rút tiền của ngân sách.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc chuẩn bị dự luật bị chậm là do cách tổ chức chưa tốt. Bộ đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan họp nhiều lần nhưng có tình trạng các bộ nay cử người này, mai người khác. Việc các bộ dự họp theo ông Dũng “chủ yếu mang tính soi xét xem có ảnh hưởng đến bộ mình không, chứ không mang tính xây dựng... Chính sách để đảm bảo cho DN phát triển, tạo động lực cho phát triển thì không ai nói đến chuyện đó, dù là chủ trương lớn của đất nước”, Bộ trưởng KH-ĐT nói.

Đề nghị QH làm hết việc chứ không hết giờ

Cho ý kiến vào Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa 14 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH chiều 6.10, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị để phát triển theo hướng QH tranh luận có hình thức phù hợp đồng thời kéo dài thời gian thảo luận. Tại các kỳ họp trước nhiều ĐBQH rất muốn phát biểu nhưng vì giới hạn thời gian nên không thể hiện được chính kiến. Vì thế lần này nên thay đổi, cho thảo luận đến khi hết ý kiến, tối thì cho ĐBQH nghỉ ăn tối rồi thảo luận tiếp.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc kéo dài thời gian thảo luận trong ngày tại hội trường sẽ được xin ý kiến của các ĐBQH quyết định.

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa 14, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp tới dự kiến kéo dài 24 ngày làm việc từ 20.10 - 19.11. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết: luật về hội; luật tín ngưỡng, tôn giáo; luật đấu giá tài sản; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

QH cũng sẽ cho ý kiến 12 dự án luật. Hai dự án luật gồm luật Công an xã và luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được rút khỏi nội dung kỳ họp này. Cũng tại kỳ họp, QH sẽ xem xét Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông...

Trường Sơn

Theo Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,769

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn