Bãi bỏ Thông tư liên quan đến người giúp việc gia đình

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/01/2025 10:46 AM

Theo Thông tư 15/2024/TT-BLĐTBXH, Bộ LĐTBXH sẽ bãi bỏ toàn bộ quy định liên quan đến người giúp việc gia đình tại Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH.

Bãi bỏ Thông tư liên quan đến người giúp việc gia đình

Bãi bỏ Thông tư liên quan đến người giúp việc gia đình (Hình từ Internet)

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 15/2024/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2024 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành.

Bãi bỏ Thông tư liên quan đến người giúp việc gia đình

Cụ thể tại Thông tư 15/2024/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bãi bỏ toàn bộ quy định liên quan đến người giúp việc gia đình tại Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

Quy định này sẽ áp dụng từ ngày 15/02/2025, dẫn đến các quy định về người giúp việc gia đình tại Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH cũng sẽ hết hiệu lực từ thời điểm này.

Được biết, Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động và trách nhiệm vật chất quy định tại Nghị định 27/2014/NĐ-CP.

Theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH, người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 27/2014/NĐ-CP được quy định như sau:

- Chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định của pháp luật;

- Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ cùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền bằng văn bản;

- Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc được các thành viên của các hộ gia đình cùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền bằng văn bản. Văn bản ủy quyền theo phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH.

Chủ hộ và người được ủy quyền ký hợp đồng lao động quy định nêu trên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Người được ủy quyền ký kết hợp đồng lao động không được tiếp tục ủy quyền cho người khác ký kết hợp đồng lao động.

Còn người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 27/2014/NĐ-CP được quy định như sau:

- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Người đại diện theo pháp luật của người lao động là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp của người lao động.

Văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động theo phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH.

Về tiền Iương đối với người giúp việc gia đình:

- Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

- Tiền lương (bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH.

- Mức lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc.

Hình thức trả lương và thời hạn trả lương quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định như sau:

- Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) do hai bên thỏa thuận, gồm:

+ Trả lương theo tháng là tiền lương được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;

+ Trả lương theo tuần là tiền lương được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;

+ Trả lương theo ngày là tiền lương được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà hai bên xác định nhưng tối đa không quá 26 ngày;

+ Trả lương theo giờ là tiền lương được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày mà hai bên xác định và ghi trong hợp đồng lao động.

- Thời hạn trả lương

Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận thời hạn, thời điểm trả lương cố định trong ngày, trong tuần hoặc trong tháng và ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần, tháng thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần, tháng làm việc hoặc trả gộp do hai bên thỏa thuận.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]