Chế độ đối với cán bộ tham gia giảng dạy phạm nhân từ ngày 15/11/2024 (Hình từ Internet)
Theo Điều 14 Nghị định 118/2024/NĐ-CP thì chế độ đối với cán bộ tham gia giảng dạy phạm nhân như sau:
- Giáo viên, cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa, giáo dục công dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thành viên Hội đồng xét công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, thi tốt nghiệp trung học cơ sở cho phạm nhân được bồi dưỡng trong môi trường đặc biệt. Mức chi bồi dưỡng một buổi (04 giờ) bằng 0,25 mức lương cơ sở.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 là 2.340.000 đồng/tháng. Cụ thể, mức chi bồi dưỡng một buổi (04 giờ) bằng 0,25 mức lương cơ sở (bằng 585.000 đồng) |
- Cán bộ quản lý, trực tiếp làm công tác giáo dục, dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân của các cơ sở giam giữ phạm nhân có thành tích tốt được vinh danh và tặng các danh hiệu vinh dự của Nhà nước theo quy định pháp luật.
Chế độ dạy văn hóa cho phạm nhân theo Điều 13 Nghị định 118/2024/NĐ-CP như sau:
- Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ. Đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi chưa biết chữ hoặc chưa học xong chương trình tiểu học thì thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc; chưa học xong trung học cơ sở thì căn cứ hồ sơ phạm nhân, học bạ để tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
Khuyến khích phạm nhân tự học văn hóa, phạm nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt tự nghiên cứu, học tập tiếng Việt. Phạm nhân đang học văn hóa mà hết thời hạn chấp hành án phạt tù thì được bảo lưu kết quả học tập để có thể tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Tùy theo chương trình mà sử dụng sách giáo khoa, tài liệu dạy và học phù hợp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian học văn hóa của phạm nhân tối thiểu 02 buổi/tuần, mỗi buổi 4 giờ do Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định, trừ các ngày Chủ nhật, lễ, Tết.
Cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức các lớp học văn hóa cho phạm nhân và dạy nói tiếng Việt cho phạm nhân không nói được tiếng Việt (tiếng phổ thông); Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng nhận thức của phạm nhân quyết định hình thức, thời gian, phương pháp dạy cho phù hợp.
Nhà nước khuyến khích gia đình phạm nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách giáo khoa, vở, tài liệu, đồ dùng học tập, sách, báo, dụng cụ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho phạm nhân nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Giáo viên dạy văn hóa cho phạm nhân là cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc của các cơ sở giáo dục địa phương. Những phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, có trình độ học vấn, khả năng sư phạm, nhân thân tốt, không phải là đối tượng chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ, hung hăng, mắc bệnh truyền nhiễm, có tiền sử nghiện ma túy hoặc không phải là phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia thì có thể bố trí hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa cho phạm nhân. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xác nhận hoàn thành kỳ học (nếu phạm nhân chưa hoàn thành Chương trình xóa mù chữ), hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1, giai đoạn 2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phạm nhân.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp thực hiện việc dạy văn hóa cho phạm nhân, chỉ đạo các cơ sở giáo dục cử giáo viên đến dạy văn hóa cho phạm nhân; quản lý, chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phạm nhân; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa cho phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân bố trí hội trường hoặc phòng học đảm bảo điều kiện dạy và học cho học viên là phạm nhân.
Nghị định 118/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024, thay thế Nghị định 133/2020/NĐ-CP.