Ngày 22/10/2024, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần trả lời như sau:
1. Loạn thị là một tật khúc xạ rất thường gặp, có thể xuất hiện ngay khi sinh ra hoặc từ nhỏ, ít thay đổi trong suốt cuộc đời. Một số trường hợp loạn thị phát triển sau chấn thương mắt, bệnh lý tại mắt hoặc sau phẫu thuật mắt. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị (cận loạn) hoặc viễn thị (viễn loạn) hoặc đơn thuần (trường hợp này khá hiếm gặp).
Đa số các trường hợp loạn thị nhẹ (sinh lý) không cần điều trị và mắt sẽ tự điều tiết bù trừ, người bệnh không cần đeo kính. Đối với trường hợp loạn thị nặng thường kèm theo cận, viễn: Nếu là bẩm sinh sẽ gây nhược thị kèm theo khi không điều trị tích cực ngay từ nhỏ; nếu là mắc phải thì thường là hậu quả, di chứng của một số bệnh lý nặng như bệnh giác mạc chóp, lệch thể thủy tinh...
Các trường hợp loạn thị trên 1.0 diop đơn thuần (không kèm theo bệnh lý khác tại mắt) được đeo kính đúng cách, thị lực sau đeo kính là 10/10 hầu như không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường.
2. Khi khám mắt trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bác sĩ phải căn cứ vào thị lực, tật khúc xạ và các bệnh lý về mắt (nếu có) để cho điểm về chỉ tiêu mắt. Trong đó, quy định cho điểm về tật khúc xạ loạn thị thực hiên theo tiểu mục 1 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 105/2023/TT-BQP ngày 06/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
3. Theo quy định trên, trường hợp công dân bị tật khúc xạ loạn thị 4.0 diop, thị lực hai mắt là 3/10 và 4/10 sẽ cho điểm về mắt như sau:
- Tật khúc xạ loạn thị (≥ 1.0 diop): Điểm 3.
- Thị lực (Mắt phải 1-5/10; Tổng thị lực 2 mắt 6-12/10): Điểm 6.
Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
https://www.mod.gov.vn/vn/noi-dung/sa-qlcddh/voi-cong-dan/tra-loi-cong-dan/bo-quoc-phong-tra-loi-cong-dan-ve-phan-loai-cac-benh-ve-mat-trong-kham-nghia-vu-quan-su