Thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 17/9/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 423/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.
Cụ thể, tại Thông báo 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung như sau:
* Đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc:
- Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Tỉnh Lâm Đồng sớm thống nhất và có ý kiến bằng văn bản khẳng định đối với nội dung như phương án đề xuất tại cuộc họp (không điều chỉnh tăng vốn Nhà nước tham gia Dự án, không đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu) và việc điều chỉnh các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi không dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của Luật PPP); khẩn trương gửi văn bản giải trình, hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án gửi Hội đồng thẩm định liên ngành trước ngày 23/9/2024 để tổ chức thẩm định; Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo quy định của Luật PPP trước ngày 30/9/2024.
- Về huy động nguồn đầu tư: Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thì với phương án không điều chỉnh tăng vốn nhà nước tham gia dự án và không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm nên tính khả thi của Dự án không cao và giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc đối với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án thống nhất với quy định pháp luật về PPP (đồng thời gửi Bộ Tài chính) trước ngày 20/9/2024.
Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để đề xuất phương án giải quyết kịp thời, khả thi đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo nguyên tắc thẩm quyền của Chính phủ đến đâu, xử lý ngay đến đó), bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định 32/2017/NĐ-CP, Nghị định 78/2023/NĐ-CP và Nghị định 28/2021/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với Luật PPP để sớm tháo gỡ khó khăn cho các Dự án theo phương thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 30/9/2024.
- Theo báo cáo của Nhà đầu tư đề xuất dự án, hiện nay, một số ngân hàng (VDB, TPBank) có cam kết cùng Nhà đầu tư đề xuất dự án tham gia dự án. Trong bước sau, trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, nhà đầu tư được lựa chọn cần tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét, phối hợp cho vay hợp vốn đối với các dự án; trong đó các nhà đầu tư phải đóng vai trò chính và có biện pháp để nâng cao năng lực tài chính tham gia dự án, nhằm thu hút đầu tư tốt hơn cho các Dự án.
- Về việc kiến nghị điều chỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho Dự án để Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẩn trương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
* Đối với tuyến đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương:
- Dự án này thuộc thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án bảo đảm không quá 50% theo quy định của Luật PPP.
Lưu ý: việc triển khai đoạn các dự án thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cần bảo đảm đồng bộ, công bằng. Do vậy, cần nghiên cứu xem xét cơ chế chính sách tương đồng giữa Dự án Bảo Lộc - Liên Khương và Dự án Tân Phú - Bảo Lộc để nâng cao hiệu quả, tính khả thi của các Dự án.
- Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Nhà đầu tư đề xuất tích cực, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để sớm khởi công dự án theo quy định pháp luật..
- Trong quá trình triển khai thi công các công trình, cần có giải pháp, tính toán để cân đối tỷ lệ đào đắp hoặc có phương án dự trữ đất đào, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn vật liệu.
* Về vướng mắc liên quan đến phần diện tích của 02 dự án cao tốc chồng lẫn với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể theo hướng lấy quy hoạch đất đai làm gốc, trong đó đã có đất dành cho công trình giao thông nên dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được ưu tiên làm trước; khoáng sản được đưa vào quy hoạch dự trữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý;
* Về kiến nghị của các Nhà đầu tư áp dụng mô hình BIM: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Đây là mô hình quản lý tiên tiến nhất, quản lý chất lượng, công nghệ, số hóa quản lý thực tế tại hiện trường cần được áp dụng đối với các dự án đường theo đúng lộ trình. Đối với 02 dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm rà soát tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để thực hiện theo quy định.
Xem thêm Thông báo 423/TB-VPCP ban hành ngày 17/9/2024.