Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người trong 06 tháng đầu năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
14/09/2024 17:00 PM

Tại Thông báo 4223/TB-BLĐTBXH năm 2024 về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm, đã nêu các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người.

Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người trong 06 tháng đầu năm 2024

Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người trong 06 tháng đầu năm 2024 (Hình từ internet)

Ngày 11/9/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông báo 4223/TB-BLĐTBXH về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2024.

Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người trong 06 tháng đầu năm 2024

Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 6 tháng đầu năm 2024 trên toàn quốc đã xảy ra 3.201 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) (giảm 227 vụ, tương ứng với 7,09% so với 6 tháng đầu năm 2023) làm 3.065 người bị nạn (giảm 197 người, tương ứng với 6,04% so với 6 tháng đầu năm 2023) (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 320 vụ, giảm 25 vụ tương ứng 7,25% so với 6 tháng đầu năm 2023. Làm 346 người chết, giảm 07 người tương ứng 1,98% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Với tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đánh giá về nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người như sau:

* Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 31,12% tổng số vụ và 30,82% tổng số người chết, cụ thể:

- Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 14,55% tổng số vụ và 15,84% tổng số người chết;

- Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10,07% tổng số vụ và 9,48% tổng số người chết;

- Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 6,5% tổng số vụ và 5,5% tổng số người chết.

* Nguyên nhân do người lao động chiếm 19,25% tổng số vụ và 21,26% tổng số người chết, cụ thể:

- Người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm 10,15% tổng số số vụ và 11,7% tổng số người chết;

- Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị chiếm 9,10% tổng số số vụ và 9,56% tổng số người chết.

* Còn lại 49,63%) tổng số vụ tai nạn lao động với 47,92% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân tai nạn lao động do người khác gây ra, khách quan khó tránh.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra các đánh giá khác từ việc phân tích các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người, cụ thể:

* Tình hình tai nạn lao động chết người theo loại hình cơ sở sản xuất

- Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 30,1% số vụ tai nạn chết người và 31,5% số người chết;

- Loại hình công ty cổ phần chiếm 28,2% số vụ tai nạn chết người và 29,2% số người chết;

- Loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 17,1% số vụ tai nạn chết người và 15,5% số người chết;

- Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 5,4% số vụ tai nạn và 6,12% số người chết.

* Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người

- Lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 14,13% tổng số vụ tai nạn và 13,07% tổng số người chết;

- Lĩnh vực xây dựng chiếm 12,11% tổng số vụ tai nạn và 13,15% tổng số người chết;

- Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,2% tổng số vụ và 10,82% tổng số người chết;

- Lĩnh vực dịch vụ chiếm 6,9% tổng số vụ và 5,59% tổng số người chết.

* Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất

- Tai nạn giao thông chiếm 25,5% tổng số vụ và 25,34% tổng số người chết;

- Đổ sập chiếm 9,32% tổng số vụ và 9,83% tổng số người chết;

- Ngã từ trên cao, rơi chiếm 7,3% tổng số vụ và 8,5% tổng số người chết;

- Vật văng bắn, va đập chiếm 6,08% tổng số vụ và 7,7% tổng số người chết.

Một số giải pháp được đưa ra để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới

Ngoài việc đưa ra các đánh giá tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu cần thực hiện 6 tháng cuối năm 2024 như sau:

- Các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khoáng sản, quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy,...

- Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định 39/2016/NĐ-CP tổng hợp theo đúng quy định.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương:

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động;

+ Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;

+ Tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;

+ Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa TNLĐ với sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.

Xem thêm tại Thông báo 4223/TB-BLĐTBXH ngày 11/9/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 628

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn