Thông tư 07/2025: Hướng dẫn kinh phí thực hiện chính sách với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178/2024 (Hình từ internet)
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 07/2025/TT-BTC ngày 24/01/2025 hướng dẫn xác định nguồn kinh phí và lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 07/2025/TT-BTC hướng dẫn nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã; lực lượng vũ trang và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) như sau:
(1) Cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm để chi trả các chế độ sau:
- Kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cữ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Điều 11 Nghị định 178/2024/NĐ-CP;
- Tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi tăng cường đi công tác ở cơ sở theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định 178/2024/NĐ-CP;
- Chính sách nâng bậc lương quy định tại điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 178/2024/NĐ-CP;
- Chi tiền thưởng cho các đối tượng theo quy định tại khoản 3 Điều 7, điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 13 Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
(2) Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ còn lại (ngoài các chính sách, chế độ tại khoản (1)) tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12, Điều 15 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:
- Đối với đối tượng cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây viết tắt là các bộ, cơ quan trung ương) thì ngân sách trung ương đảm bảo;
- Đối với các đối tượng cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động thuộc, trực thuộc các đơn vị do địa phương quản lý: Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách được tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương.
(3) Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 178/2024/NĐ-CP. Đối với kinh phí thực hiện chế độ này ở địa phương được tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương.
Lưu ý:
- Trường hợp các cơ quan, đơn vị có nguồn kinh phí hoạt động theo các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản khác của cấp có thẩm quyền: Nguồn kinh phí thực hiện chính sách theo quy định tại các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản khác của cấp có thẩm quyền (nếu có).
- Đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ nghỉ thôi việc theo nguyện vọng: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.
Tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 03 năm gần nhất theo các tiêu chí sau:
- Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất.
- Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội thì phải đáp ứng 3 tiêu chí nêu trên, đồng thời phải bảo đảm tiêu chí đánh giá về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(Điều 6 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)
Xem thêm Thông tư 07/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/01/2025.