Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội từ 15/10/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
07/09/2024 08:14 AM

Từ ngày 15/10/2024, người hành nghề công tác xã hội sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo nội dung bài viết dưới đây.

Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội từ 15/10/2024

Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội từ 15/10/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 30/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội, trong đó có quy định về quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội từ 15/10/2024.

Quyền của người hành nghề công tác xã hội

Từ ngày 15/10/2024, người hành nghề công tác xã hội sẽ được hưởng các quyền theo quy định từ Điều 21 đến Điều 25 Nghị định 110/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Quyền hành nghề công tác xã hội

- Hành nghề công tác xã hội theo giấy chứng nhận đăng ký hành nghề.

- Quyết định việc phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, bảo vệ, chăm sóc, phục hồi, hỗ trợ phát triển, tư vấn, trợ giúp và phương pháp công tác xã hội theo giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.

- Lập hợp đồng thỏa thuận cung cấp dịch vụ công tác xã hội với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.

- Người hành nghề công tác xã hội độc lập được hưởng thù lao theo hợp đồng thoả thuận. Tiền thù lao được thỏa thuận tại hợp đồng thỏa thuận ký kết với đối tượng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ trên cơ sở các yếu tố, gồm: Nội dung, tính chất của dịch vụ công tác xã hội; thời gian và công sức mà người hành nghề công tác xã hội sử dụng để thực hiện dịch vụ công tác xã hội; kinh nghiệm và uy tín của người hành nghề; các chi phí tàu xe đi lại, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Trường hợp người hành nghề công tác xã hội làm việc tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội thì được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, thù lao, tiền thưởng thu nhập tăng thêm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

- Được hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội hoặc hành nghề độc lập.

- Được tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về công tác xã hội.

(2) Quyền từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội

Người hành nghề công tác xã hội được từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các trường hợp sau:

- Trường hợp vượt quá phạm vi nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hành nghề hoặc trái với giấy chứng nhận đăng ký hành nghề.

- Việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp công tác xã hội.

- Đối tượng hoặc thân nhân của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề công tác xã hội.

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

(3) Quyền được nâng cao năng lực chuyên môn công tác xã hội

- Được đào tạo, đào tạo lại phát triển năng lực chuyên môn và cập nhật kiến thức công tác xã hội phù hợp nội dung hành nghề.

- Được tham gia bồi dưỡng, trao đổi thông tin về chuyên môn, kiến thức pháp luật về công tác xã hội.

(4) Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề công tác xã hội

- Được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.

- Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc và cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; chính quyền nơi xảy ra sự việc có biện pháp bảo vệ người hoạt động hành nghề công tác xã hội.

(5) Quyền được thực hiện biện pháp can thiệp công tác xã hội

Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc các cơ quan có liên quan sử dụng các biện pháp nghiệp vụ công tác xã hội để phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, bảo vệ, chăm sóc, phục hồi, hỗ trợ phát triển, tư vấn, trợ giúp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực, bạo hành, lạm dụng, ngược đãi gây tổn hại về thể chất, tinh thần và đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội

Người hành nghề công tác xã hội sẽ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 26 đến Điều 30 Nghị định 110/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội đối với đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội

- Tôn trọng các quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; có thái độ hòa nhã, thấu cảm.

- Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định.

- Đối xử bình đẳng với đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn.

(2) Nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội đối với nghề nghiệp

- Thực hiện đúng quy định chuyên môn công tác xã hội.

- Chịu trách nhiệm về các quyết định chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp công tác xã hội.

- Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức công tác xã hội liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác xã hội; chịu trách nhiệm chi trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; thực hành công tác xã hội, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Tận tâm trong quá trình hành nghề công tác xã hội.

- Giữ bí mật những thông tin mà người sử dụng dịch vụ công tác xã hội đã cung cấp, trừ trường hợp pháp luật quy định.

- Thông báo với người có thẩm quyền về trường hợp người hành nghề công tác xã hội khác có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp với đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội, đồng nghiệp hoặc vi phạm quy định của Nghị định 110/2024/NĐ-CP.

- Không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 10 Nghị định 110/2024/NĐ-CP.

(3) Nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội đối với đồng nghiệp

- Hợp tác và tôn trọng đồng nghiệp trong hành nghề công tác xã hội.

- Bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp.

(4) Nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội đối với xã hội

- Tham gia phát triển cộng đồng.

- Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của những người cùng hành nghề công tác xã hội.

(5) Nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội về thực hiện đạo đức nghề nghiệp

- Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề công tác xã hội.

- Người hành nghề công tác xã hội có nghĩa vụ thực hiện bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp công tác xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Xem thêm tại Nghị định 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 154

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn