Tải App trên Android

Cải cách tiền lương năm 2025 từ những nguồn nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
22/07/2024 15:00 PM

Năm 2025, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để cải cách tiền lương theo quy định.

Dự toán cải cách tiền lương năm 2025

Dự toán cải cách tiền lương năm 2025 (Hình từ internet)

Xây dựng dự toán cải cách tiền lương năm 2025

Nội dung đề cập tại Thông tư 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 16/7/2024.

Theo đó, đối với nội dung xây dựng dự toán ngân sách địa phương 2025, về xây dựng dự toán cải cách tiền lương:

Năm 2025, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để cải cách tiền lương theo quy định.

Trong đó: Các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ);

nguồn tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý;

Các khoản được loại trừ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022), bao gồm 70% tăng thu thực hiện năm 2024 so dự toán năm 2024, 50% tăng thu dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao;

50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo phương án đề xuất của địa phương quy định tại Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ;

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 còn dư; số thu được để lại theo chế độ năm 2025.

Báo cáo về tình hình thực hiện cải cách tiền lương năm 2024

Đối với nội dung đánh giá thực hiện nhiệm vụ NSNN của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2024 và các năm 2021-2024, có nội dung báo cáo về tình hình thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 như sau:

- Quỹ lương, phụ cấp, trợ cấp ước thực hiện trong năm 2024.

- Nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện cải cách tiền lương.

- Việc sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện điều chỉnh mức lương, gồm: nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao; 70% tăng thu NSĐP thực hiện năm 2023 so với dự toán năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu NSĐP dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các khoản được loại trừ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022; số thu được để lại theo chế độ năm 2024; nguồn cải cách tiền lương năm 2023 còn dư chuyển sang (nếu có), dự kiến nguồn cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2024.

Nội dung thực hiện cải cách tiền lương tại Nghị quyết 142

Tại Nghị quyết 142/2024/QH15 có đề cập nội dung cải cách tiền lương như sau:

6. Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Cụ thể như sau:

6.1. Thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025).

6.2. Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, giao Chính phủ:

a) Triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập;

b) Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024;

c) Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 01/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung;

d) Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thi điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%);

đ) Báo cáo Quốc hội việc thực hiện mục 6.2 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

6.3. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,613

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]