Lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 thì lương hưu có tăng không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
10/07/2024 17:15 PM

Từ 01/7/2024, mức lương cơ sở sẽ chính thức tăng lên 2,34 triệu đồng. Theo đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về lương hưu khi lương cơ sở tăng.

Lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 thì lương hưu có tăng không? (Hình từ internet)

Mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu?

Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024 tăng mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng. 

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:

- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 73/2024/NĐ-CP;

- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 thì lương hưu có tăng không?

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động sẽ được xác định dựa trên tỷ lệ % hưởng lương hưu (chỉ số này không thay đổi trong quá trình giải quyết lương hưu của người lao động) và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động.

Việc mức lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 thì lương hưu có tăng hay không phụ thuộc vào việc có làm thay đổi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động hay không.

Theo đó, có 2 trường hợp xảy ra như sau:

(1) Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh như đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định nêu trên.

Như vậy, có thể thấy tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016 sẽ phụ thuộc vào mức lương cơ sở tại thời điểm nhận lương hưu.

Do đó, khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016 cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Đồng nghĩa, mức lương hưu hàng tháng của người lao động trong trường hợp này cũng sẽ tăng từ ngày 01/7/2024.

(2) Đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm

=

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm

x

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm và được xác định bằng biểu thức sau:

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm t

=

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người lao động hưởng bảo hiểm xã hội tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

Trong đó:

+ t là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

+ Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1 (một).

- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của các năm trước năm 1995 được lấy bằng mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm 1994.

Căn cứ quy định nêu trên, có thể thấy tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sẽ không phụ thuộc vào mức lương cơ sở.

Do đó, việc mức lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 không ảnh hưởng đến mức lương hưu hàng tháng của người lao động trong trường hợp này.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,504

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn