Ngày 05/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, trong đó có đề cập nhiều nội dung liên quan đến cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Trong phần đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Nghị quyết 82/NQ-CP có đề cập nội dung:
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, quản lý thị trường vàng; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm. Đã tiết kiệm được 680 nghìn tỷ đồng để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Như vậy, hiện tại đã có nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 82/NQ-CP cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng và trợ cấp xã hội; đề xuất thực hiện cải cách tiền lương có lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả; bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa giữa các đối tượng, ổn định, không xáo trộn lớn.
680 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 (Hình từ internet)
Trước đó, tại Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, cũng đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến chính sách cải cách tiền lương.
Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù:
Từ năm ngân sách 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập và kinh phí thường xuyên. Các đơn vị lập dự toán thu, chi năm 2025 trên cơ sở quyết định của có cấp thẩm quyền về cơ chế tài chính áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và cho năm 2025, phù hợp với Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024.
Như vậy từ năm 2025 trở đi sẽ không còn cơ chế tiền lương, phụ cấp đặc thù với cán bộ, công chức, viên chức.
Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 cũng yêu cầu: Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết 07-NQ/TW năm 2016 của Bộ Chính trị, gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập; Kinh phí về chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Bảo đảm nguồn lực để tiếp tục triển khai chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) và Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, tại Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2024, yêu cầu khi xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm (2026-2030) phải đánh giá tình hình huy động và phân phối các nguồn lực tài chính trong 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó làm rõ việc thực hiện phân bổ, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước gắn với kết quả, khả năng hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 của các mục tiêu đột phá chiến lược, các kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong cả giai đoạn 2021 - 2025 hoặc đến năm 2030; việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công, các chính sách an sinh xã hội; số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hành chính và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước gắn với quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.