Tăng thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ ngày 16/5/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
26/04/2024 09:34 AM

Cho tôi hỏi đã có quy định về việc tăng thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu chưa? - Thành Đăng (TPHCM)

Tăng thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ ngày 16/5/2024

Tăng thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ ngày 16/5/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2024 sửa đổi các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Tăng thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ ngày 16/5/2024

Theo đó, Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT đã sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 19 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT về thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu là 60 ngày; thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu là 180 ngày.

Trong khi đó, tại điểm b khoản 5 Điều 19 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu có giá trị sử dụng từ 30 đến 60 ngày.

Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu đã tăng lên đến 180 ngày.

Bổ sung quy trình kiểm tra, lấy mẫu kiểm dịch lô hàng sản phẩm động vật trên cạn

Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT đã bổ sung “Phụ lục XIV QUY TRÌNH KIỂM TRA, LẤY MẪU KIỂM DỊCH LÔ HÀNG SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN” vào sau Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT.

Theo đó, quy trình kiểm tra, lấy mẫu kiểm dịch lô hàng sản phẩm động vật trên cạn như sau:

(1) Chuẩn bị

- Trước khi tiến hành lấy mẫu phải thống nhất thời điểm tiến hành kiểm tra, lấy mẫu với chủ hàng hoặc người đại diện.

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, biểu mẫu liên quan, dụng cụ, trang thiết bị lấy mẫu và bảo quản mẫu phù hợp.

(2) Kiểm tra thực tế

* Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng hàng hóa, niêm phong.

* Kiểm tra thực trạng lô hàng: điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ngoại quan của sản phẩm, chủng loại, nhãn sản phẩm, thông tin chi tiết của lô hàng phải phù hợp với hồ sơ.

Mỗi mặt hàng tiến hành kiểm tra tối thiểu tại 5 vị trí hoặc đơn vị bao gói ngẫu nhiên ở các điểm khác nhau của lô hàng. Trường hợp lô hàng có nhiều mặt hàng thì tiến hành kiểm tra và lấy mẫu tối đa 03 mặt hàng có số lượng/khối lượng lớn nhất.

Đối với lô hàng có nhiều container, toa xe: người lấy mẫu chỉ định ngẫu nhiên và tiến hành kiểm tra từ 02 đến 04 container, toa xe (không áp dụng đối với các lô hàng phải kiểm tra ADN). Trường hợp nghi ngờ có thể tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng.

Xử lý kết quả: kiểm tra thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra đối tượng kiểm dịch, trường hợp không đạt yêu cầu thì xử lý theo quy định.

(3) Lấy mẫu

* Số lượng, khối lượng mẫu

** Số lượng mẫu để kiểm tra mầm bệnh theo quy định tại Phần IV và Phần V Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT (sửa đổi tại Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT).

** Số lượng mẫu để kiểm tra ADN, việc lấy mẫu như sau:

- Từ 01 đến 05 container: lấy 01 mẫu

- Từ 06 đến 10 container: lấy 02 mẫu

- Từ container thứ 10, nếu số lượng container tăng thêm từ 01 đến 05 container thì kiểm tra thêm 01 mẫu

Trường hợp lô hàng chứa đựng trong hầm, toa tàu: nếu số lượng ≤ 200 tấn lấy 01 mẫu; từ 200 đến 500 tấn lấy 02 mẫu; trên 500 tấn lấy 03 mẫu.

** Khối lượng mẫu phân tích, mẫu lưu: tối thiểu phải đảm bảo đủ để phân tích các chỉ tiêu theo quy định và theo phương pháp phân tích của phòng thử nghiệm. Trường hợp phải gửi mẫu cho nhiều phòng thử nghiệm thì khối lượng được lấy thêm tương ứng. Khối lượng mẫu trung bình hoặc mẫu ban đầu (trường hợp mẫu ban đầu tương đương là mẫu trung bình) từ 500 - 1000g (không bao gồm xương).

* Lấy mẫu phân tích

** Lấy mẫu ban đầu

- Với lô hàng bao gói

+ Lô hàng được đóng trong các bao gói thùng, kiện, hộp, túi,...: mẫu ban đầu được lấy tại ít nhất 01 đơn vị bao gói nhưng không quá ở 05 đơn vị bao gói bằng cách chọn ngẫu nhiên các sản phẩm từ các bao gói được chọn trừ trường hợp đơn vị bao gói nhỏ thì phải lấy thêm để bảo đảm đủ khối lượng xét nghiệm theo phương pháp.

+ Sản phẩm dạng lỏng, sệt: mẫu đơn được lấy tại ít nhất 03 vị trí ở các độ sâu khác nhau trong đơn vị bao gói.

- Với lô hàng rời (chứa trong các toa xe, container, hầm tàu,...): lấy mẫu ban đầu ở ít nhất 03 vị trí khác nhau của lô hàng.

** Lập mẫu chung

Gộp tất cả các mẫu ban đầu đã lấy được để lập mẫu chung, đại diện cho lô hàng.

** Lập mẫu trung bình

- Sản phẩm dạng lỏng, sệt: trộn kỹ mẫu chung và rút ra một lượng để lập mẫu trung bình;

- Sản phẩm dạng sợi, mảnh, viên nhỏ có thể phân mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên;

- Các sản phẩm lớn có thể rút theo nguyên tắc ngẫu nhiên (cắt nhỏ nếu cần thiết);

- Sản phẩm dạng bao gói sẵn: có thể trộn đều các bao gói, sau đó rút ngẫu nhiên các sản phẩm;

- Khối lượng mẫu trung bình đảm bảo đủ để phân tích các chỉ tiêu và lưu mẫu.

** Lập mẫu phân tích

Từ mẫu trung bình chia thành 2 phần tương ứng, 1 phần là mẫu phân tích, một phần là mẫu lưu có số lượng/khối lượng mẫu như nhau. Khối lượng mẫu được lấy đảm bảo đủ để xét nghiệm các chỉ tiêu và lưu mẫu theo phương pháp xét nghiệm tương ứng. Trường hợp cần gửi nhiều phòng thử nghiệm có thể chia phần mẫu phân tích nhiều hơn. Nếu phương pháp xét nghiệm cần khối lượng mẫu nhỏ, sau khi lập mẫu xét nghiệm bảo đảm đại diện cho lô hàng thì phần mẫu thừa trả lại chủ hàng.

** Ghi nhãn, bao gói, niêm phong, bảo quản, vận chuyển mẫu

- Mẫu phải được bao gói, niêm phong, ghi nhãn bảo đảm tính bảo mật và không bị nhầm lẫn;

- Bảo quản mẫu: mẫu được bảo quản theo điều kiện phù hợp với từng dạng sản phẩm như nguyên trạng ban đầu.

** Biên bản lấy mẫu

Biên bản lấy mẫu được lập theo mẫu 06 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, được lập ngay sau khi lấy mẫu dưới sự chứng kiến và ký xác nhận của chủ hàng và các bên liên quan.

Các thông tin trong Biên bản lấy mẫu phải được ghi đầy đủ, chính xác, phản ánh trung thực tình trạng lô hàng như bao gói, bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng, ký hiệu phương tiện vận chuyển, chứa đựng, số niêm phong.

** Vận chuyển, gửi mẫu

- Mẫu phải được vận chuyển đến phòng thử nghiệm càng nhanh càng tốt bằng phương tiện vận chuyển bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng mẫu;

- Mẫu gửi phòng thử nghiệm phải được mã hoá. Dụng cụ chứa đựng mẫu gửi đến phòng thử nghiệm phải được làm kín và bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng, nhiệt độ ảnh hưởng đến chất lượng mẫu.

** Lưu mẫu, huỷ mẫu

Mẫu lưu được bảo quản ở điều kiện thích hợp với từng loại sản phẩm trong thời gian 30 ngày. Khối lượng mẫu lưu phù hợp với phương pháp thử nghiệm.

Hết thời gian lưu, mẫu lưu phải được huỷ theo quy định của pháp luật.

** Trả sản phẩm động vật thừa sau khi lấy mẫu

Việc trả mẫu thừa (không phải phần mẫu sử dụng để xét nghiệm) được thực hiện sau khi có kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu (Mẫu biên bản trả lại mẫu thừa ban hành kèm theo Phụ lục XIV).

- Trường hợp không thể lấy mẫu tại hiện trường mà phải đưa các đơn vị mẫu đơn về nơi đủ điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa để lấy mẫu thì sau khi lấy mẫu, lập biên bản trả lại mẫu thừa cho chủ hàng.

- Trường hợp phương pháp xét nghiệm cần khối lượng mẫu nhỏ, sau khi lập mẫu xét nghiệm bảo đảm đại diện cho lô hàng thì phần mẫu thừa trả lại chủ hàng.

Xem thêm Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 16/5/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,946

Bài viết về

lĩnh vực An toàn thực phẩm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn