Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/04/2024 13:45 PM

Cho tôi hỏi, công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM có những nội dung gì? – Thanh Thúy (Đắk Lắk)

Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM

Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM

Ngày 07/3/2024, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch 1107/KH-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Theo nội dung của kế hoạch, bên cạnh những nhiệm vụ như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đến cơ quan ban ngành để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm,… thì một nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, nội dung thực hiện của công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định như sau:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2024; tăng cường rà soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội,…

- Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những vấn đề an toàn thực phẩm gây bức xúc trong đời sống xã hội nhằm chấn chỉnh hoạt động của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Giám sát, phòng ngừa, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính trên địa bàn; chủ động giám sát mối nguy, xử lý và cảnh báo kịp thời các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

- Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm quản lý chặt chẽ, theo dõi tình hình hoạt động về an toàn thực phẩm của từng cơ sở.

- Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

(Điểm 4.1 khoản 4 mục II Kế hoạch 1107/KH-UBND)

Những hành vi bị cấm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Theo Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010, nghiêm cấm các cá nhân/tổ chức thực hiện các hành vi sau:

- Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

- Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

- Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Sản xuất, kinh doanh:

+ Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

+ Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

+ Thực phẩm bị biến chất;

+ Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;

+ Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;

+ Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

+ Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

+ Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;

+ Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.

- Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

- Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.

- Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

- Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

- Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 867

Bài viết về

lĩnh vực An toàn thực phẩm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]