BHXH TPHCM hướng dẫn báo giảm BHXH trước khi giải quyết chế độ ốm đau, thai sản

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
15/04/2024 09:44 AM

BHXH TPHCM hướng dẫn kê khai hồ sơ báo tăng, báo giảm đóng BHXH, BHYT, BHTN trước khi lập hồ sơ giải quyết chi trả chế độ ốm đau, thai sản.

BHXH TPHCM hướng dẫn báo tăng, báo giảm BHXH

BHXH TPHCM hướng dẫn báo tăng, báo giảm BHXH (Hình từ internet)

Hướng dẫn báo tăng, báo giảm BHXH trước khi giải quyết chế độ ốm đau, thai sản

Ngày 10/4/2024, BHXH TPHCM có Công văn 2100/BHXH-TST về việc kê khai hồ sơ báo tăng, báo giảm đóng BHXH, BHYT, BHTN trước khi lập hồ sơ giải quyết để chi trả các chế độ BHXH ốm đau, thai sản.

Trong thời gian qua, việc kê khai hồ sơ thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hồ sơ đề nghị giải quyết chi trả các chế độ BHXH, ốm đau, thai sản của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa đúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, căn cứ Khoản 6 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là “Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội”, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện một số nội dung sau:

(1) Đối với hồ sơ thu – sổ, thẻ:

Khi có phát sinh giảm lao động nghỉ hưởng chế độ BHXH, BHYT, đơn vị thực hiện:

- Trường hợp người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày: đơn vị nộp hồ sơ báo giảm lao động (phương án OF) trên mã đơn vị chính, đồng thời, nộp hồ sơ báo tăng lao động (phương án TM) tại mã đơn vị ốm đau dài ngày (mã khối AD), khi hết thời gian hưởng chế độ ốm đau dài ngày đơn vị phải có trách nhiệm lập hồ sơ báo tăng/giảm gửi cơ quan BHXH trong vòng 30 ngày.

Lưu ý: Đơn vị lập Mẫu D02-LT chỉ kê khai báo giảm ốm phương án OF (tại mã đơn vị chính) đối với 02 trường hợp:

+ Nghỉ hưởng chế độ ốm dài ngày với tổng số ngày nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong 01 tháng và có tên bệnh đúng theo Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư 46/2016/TT-BYT.

+ Nghỉ hưởng chế độ ốm thông thường (không có tên trong danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) với tổng số ngày nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong 01 tháng. Các trường hợp số ngày nghỉ ốm được duyệt trong tháng dưới 14 ngày làm việc thì đơn vị không báo giảm phương án OF.

- Trường hợp người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản: đơn vị phải nộp hồ sơ báo giảm lao động (phương án TS) trên mã đơn vị chính, khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản, đơn vị có trách nhiệm nộp hồ sơ báo tăng lao động gửi cơ quan BHXH.

- Trường hợp điều chỉnh mức lương đóng của thời gian đã giải quyết chế độ, ảnh hưởng đến mức hưởng: đơn vị gửi hồ sơ điều chỉnh mức hưởng theo đúng quy định tại Tiết b, Điểm 1.1, Khoản 1 Công văn 4733/BHXH-CSXH ngày 18/12/2019.

Mẫu D02-LT

(2) Đối với hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản:

Khi người lao động có phát sinh chế độ BHXH ốm đau, thai sản, đề nghị đơn vị lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh và hưởng các chế độ BHXH.

(3) Chuyển nộp tiền đóng BHXH:

- Trường hợp đơn vị sử dụng tiện ích nộp BHXH trên ứng dụng Mobile banking của Ngân hàng: Nhập, chọn thông tin nộp tiền.

- Trường hợp đơn vị lập ủy nhiệm chi chuyển tiền theo các kênh khác, trong ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền do đơn vị lập, ghi rõ cấu trúc nộp:

+BHXH+103+00+Mã đơn vị+Mã cơ quan BHXH+dong BHXH+

- Khi chuyển ủy nhiệm chi hoặc nộp tiền trực tiếp tại Ngân hàng, Kho bạc, đơn vị sử dụng lao động đề nghị Ngân hàng, Kho bạc nơi mở tài khoản hoặc nơi chuyển tiền phải ghi đầy đủ nội dung nộp tiền theo hướng dẫn trên để tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN vào đúng mã đơn vị.

- Trường hợp đơn vị chuyển nộp tiền không đúng cấu trúc, nội dung nộp tiền không đầy đủ hoặc khai báo tăng, giảm chậm trễ, dẫn đến phát sinh chi phí khám, chữa bệnh, tính lãi truy thu, ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động… đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trên đây là hướng dẫn báo tăng, báo giảm BHXH trước khi giải quyết chế độ ốm đau, thai sản của BHXH TPHCM.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,246

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]