Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
04/12/2024 11:00 AM

Sau đây là bài viết về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính mới nhất được quy định trong Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024.

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính mới nhất

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính mới nhất (Hình từ Internet)

Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2829/QĐ-BTC về Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính mới nhất

Theo quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024 thì nguyên tắc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính bao gồm:

- Về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

+ Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và các nguyên tắc quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024, cụ thể:

Điều 5. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.“

+ Bảo đảm đúng tinh thần, nội dung nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp, nội dung chính sách đã được cấp có thẩm quyền thông qua; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật;

+ Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập đề nghị và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo phải ký trình xin ý kiến tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính trước khi Bộ trưởng Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành;

+ Bảo đảm trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ về chất lượng, tiến độ trình các đề án thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; trường hợp chậm, muộn hoặc không hoàn thành nhiệm vụ phải đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ.

- Về nguyên tắc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật:

+ Phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính mới ban hành phải được tổ chức kịp thời; có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính, phát huy thế mạnh của từng đơn vị và huy động sự tham gia tích cực của báo, tạp chí ngành.

+ Hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất; chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; tuân thủ trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản quy định tại Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012.

+ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính chính xác, không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển; theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của quy phạm pháp luật từ cao xuống thấp; kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới được ban hành vào Bộ pháp điển và loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển; đúng quy trình, thủ tục và tuân thủ kỹ thuật pháp điển quy định tại Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012Nghị định 63/2013/NĐ-CP.

+ Rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự rà soát. Hệ thống hóa văn bản phải được tiến hành định kỳ, đồng bộ; tuân thủ trình tự hệ thống hóa; kịp thời công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản.

+ Kiểm tra văn bản phải được tiến hành ngay sau khi văn bản được thông qua hoặc ban hành; bảo đảm tính kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tự kiểm tra, xử lý văn bản chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra và quyết định xử lý văn bản.

Xem thêm Quyết định 2829/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 27/11/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 100

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]