Thẩm quyền của Đại hội thành viên hợp tác xã từ ngày 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/04/2024 17:00 PM

Tôi muốn hỏi Đại hội thành viên hợp tác xã sẽ có những thẩm quyền như thế nào? – Trung Hiếu (Tây Ninh)

Thẩm quyền của Đại hội thành viên hợp tác xã từ ngày 01/7/2024

Thẩm quyền của Đại hội thành viên hợp tác xã từ ngày 01/7/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Đại hội thành viên hợp tác xã là gì?

Đại hội thành viên hợp tác xã là cơ quan quyết định cao nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại hội thành viên họp thường niên mỗi năm một lần và có thể họp bất thường.

Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn, Đại hội thành viên họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần và có thể họp bất thường.

(Khoản 1 Điều 57 Luật Hợp tác xã 2023)

Thẩm quyền của Đại hội thành viên hợp tác xã từ ngày 01/7/2024

(1) Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị đầy đủ

Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị đầy đủ sẽ có các thẩm quyền như sau:

- Thông qua định hướng phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; báo cáo tài chính hằng năm; phương án sản xuất, kinh doanh.

- Thông qua phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia và quỹ khác; phương án thù lao, tiền lương, tiền công, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác cho thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát, người giữ chức danh quản lý, chuyên môn khác và người lao động.

- Thông qua việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia.

- Thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên danh, liên kết; tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác, tổ chức đại diện.

- Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.

- Thông qua tổ chức quản trị; quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; quyết định số lượng thành viên Hội đồng quản trị, số lượng thành viên Ban kiểm soát, số lượng người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát; người đại diện theo pháp luật. Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thông qua chủ trương Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc thuê Giám đốc (Tổng giám đốc).

- Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập.

- Thẩm quyền khác do Đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và pháp luật có liên quan.

(Điều 64 Luật Hợp tác xã 2023)

(2) Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị rút gọn

Cụ thể tại Điều 70 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về thẩm quyền Đại hội thành viên hợp tác xã theo tổ chức quản trị rút gọn như sau:

- Thông qua định hướng phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; báo cáo hoạt động của Giám đốc và kiểm soát viên; báo cáo tài chính hằng năm; phương án sản xuất, kinh doanh.

- Thông qua phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia và quỹ khác; phương án thù lao, tiền lương, tiền công, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác cho Giám đốc, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý, chuyên môn khác và người lao động.

- Thông qua việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia.

- Thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên danh, liên kết; tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác, tổ chức đại diện.

- Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; định giá hoặc thông qua kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.

- Thông qua tổ chức quản trị, quy chế quản trị nội bộ; phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, kiểm soát viên; quyết định số lượng, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm người đại diện theo pháp luật.

- Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; khen thưởng, kỷ luật thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn.

- Thông qua việc kết nạp hoặc chấm dứt tư cách thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn theo quy định của Điều lệ.

- Thẩm quyền khác do Đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và pháp luật có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,041

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]