Điều chuyển cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
17/10/2023 09:52 AM

Có phải sẽ rà soát, thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức làm việc cầm chừng sợ trách nhiệm?

Thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm

Sẽ điều chuyển cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm (Hình từ internet)

Thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm

Nội dung đề cập tại Công điện 968/CĐ-TTg năm 2023 về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp:

Trực tiếp, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan cấp trên các cấp hành chính giao, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt.

Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Như vậy, sẽ thực hiện rà soát, thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm,…

Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Quy chế làm việc của Chính phủ, quy chế làm việc của các bộ, ngành, địa phương và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280/CĐ-TTg năm 2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền theo sát tình hình thực tế; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Xem thêm nội dung tại Công điện 968/CĐ-TTg năm 2023.

Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức

Hiện nay, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP gồm:

(1) Hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ:

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Cách chức.

- Bãi nhiệm.

(2) Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức:

- Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Hạ bậc lương.

+ Buộc thôi việc.

- Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Giáng chức.

+ Cách chức.

+ Buộc thôi việc.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,834

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn