Căn bản cải cách tiền lương trong năm 2024

21/09/2023 08:01 AM

(Chinhphu.vn) - Lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường. Hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế, chính sách thang, bảng lương để thực hiện cải cách tiền lương.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều, toàn diện

Chiều 19/9, sau 1 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ nêu rõ: Sau một ngày làm việc rất tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Diễn đàn được tổ chức với 01 Phiên Khai mạc, 02 Phiên Chuyên đề và 01 Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương.

Riêng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, theo thống kê của Ban Tổ chức có khoảng 450 đại biểu tham dự, bao gồm 05 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 01 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, 24 Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Trưởng ban Đảng, trưởng ngành, Bí thư tỉnh, thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.

Diễn đàn còn có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện các hiệp hội trong và ngoài nước; Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp của Nhà nước cũng như của tư nhân.

Diễn đàn cũng được kết nối trực tuyến với sáu học viện và trường đại học, gồm khoảng hơn 1.000 giảng viên, học viên, sinh viên trực tiếp theo dõi suốt từ sáng đến nay.

Tại Diễn đàn đã có 07 báo cáo tham luận của các diễn giả tại Phiên toàn thể và 2 Phiên chuyên đề, hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.

Tại các phiên chuyên đề và phiên toàn thể cũng như tọa đàm cấp cao đã có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu trong, ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau.

Diễn đàn đã chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), của các Hiệp hội, của trực tiếp một số doanh nghiệp tham gia Diễn đàn; chia sẻ giữa các chuyên gia trong nước và nước ngoài, giới học giả, nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách. Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện.

Phát huy tối đa “nội lực”; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao vừa qua cùng 2 phiên chuyên đề sáng nay diễn ra hết sức chất lượng, sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn, thành công với nhiều thông tin phong phú, bổ ích.

Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo cũng được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết  phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới đây.

Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận.

Theo đó, sau đại dịch COVID-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn khác là sự bùng nổ của giá cả hàng hoá và năng lượng. Sự nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong giai đoạn 2020-2021 cộng hưởng tác động của xung đột Nga – Ukraine đã kích hoạt lạm phát trên quy mô toàn cầu kể từ cuối năm 2022.

Để đối phó, hầu hết các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất liên tục, kéo dài suốt hơn một năm qua. Đồng thời, nhiều nước cũng cần phải giảm bớt, thu hồi các gói hỗ trợ tài khoá do thâm hụt ngân sách tăng cao và nợ công đụng trần. Tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống mức 3% (IMF, tháng 7/2023) hoặc 2,7-2,9% (OECD, tháng 6/2023) trong các năm 2023 và 2024.

Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.

Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đứng thứ 38 thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương PPP, theo IMF đứng thứ 10 Châu Á và thứ 24 thế giới. Quy mô ngoại thương 2022 đạt gần 735 tỷ USD, thu hút đầu tư FDI đạt gần 450 tỷ USD từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ

Tuy nhiên, từ Quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí đều gặp “trục trặc”, giảm tốc.

Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.

Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Ngược lại, việc ban hành, thực thi các chính sách mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng.

Phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới

Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan tỏa, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đang cơ cấu lại các chuỗi cung ứng và đầu tư cho riêng mình trong môi trường liên kết kinh tế thế giới.

Theo tinh thần đó, các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế (Nghị quyết số 101 kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Chính trị...) luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả

Cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh, nâng cao năng lực trong quá trình tổ chức, thực thi và thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội nửa nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những thành tựu không nhỏ, đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần củng cố tâm lí thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay ngày càng phức tạp và khó lường, điều này đặt ra vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh và nâng cao năng lực trong quá trình tổ chức, thực thi và thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn, đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, cơ hội và thách thức nửa nhiệm kỳ và năm 2023, các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

Các đại biểu cũng khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Tại Diễn đàn, nhiều gợi ý chính sách quan trọng, ý nghĩa, thiết thực được đưa ra xoay quanh chủ đề của Diễn đàn, nhằm hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế.

Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố để phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế

Thứ nhất, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng, cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, các đại biểu đề xuất cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục biện pháp tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và thúc đẩy tăng trưởng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước thông qua xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước.

Kích cầu tiêu dùng nội địa, theo tính toán của nhóm chuyên gia, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm khoảng 0,2 điểm %.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc theo tuyến Bắc - Nam, Đông - Tây, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023 thì sẽ tăng thêm 2 điểm % vào tăng trưởng GDP.

Ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là chính sách hàng đầu

Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay.

Cần mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...), tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai...

Chỉ riêng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2028 chúng ta cần phải có 50 nghìn người. Việc ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là chính sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đề nghị nghiên cứu triển khai cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động; giúp nâng cao trình độ, tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong nền kinh tế.

WB đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già.

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024

Sớm thực hiện cải cách chính sách cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 cũng là một "cú hích" cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

Lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường. Hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế, chính sách thang, bảng lương để thực hiện cải cách tiền lương.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Phát huy thế mạnh nội lực của nền kinh tế gồm nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế kinh tế biển, du lịch, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hoá. Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Tập trung nguồn lực, sửa đổi, bổ sung các luật để khai thác tốt hơn các cơ hội, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa, đổi mới sáng tạo.

Cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, khôi phục, củng cố niềm tin, tạo luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Đây là yêu cầu mang tính tối thượng, bắt buộc.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao

Thứ hai, về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, chúng ta cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên đến nay đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đối với các doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc doanh thu cao; doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô vốn lớn hoặc doanh thu cao sản xuất sản phẩm công nghệ cao; và doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu bền vững, cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu.

Khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.

Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Thứ ba, về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu: (i) thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, (ii) phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, (iii) đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, (iv) hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và (v) nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Các đại biểu cho rằng cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam là động lực và có tính lan tỏa cao). Triển khai trung tâm tài chính quốc tế Hồ Chí Minh.

Tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân, áp dụng những công nghệ và ý tưởng mới, tạo động lực mới. Cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề thủ tục hành chính, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn (đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn) và lao động.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý...

Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia. Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có vai trò dẫn dắt, mở đường trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Thúc đẩy chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột
Thúc đẩy chuyển đổi số cần xây dựng trên 03 trụ cột, gồm: chính phủ số, kinh tế số, công dân số, nhằm giảm thiểu, tăng cường hiệu quả, hiệu lực các dịch vụ công, tối ưu hóa hiệu quả và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, cho phép các công dân kết nối thành một xã hội mạng lưới, từ đó hình thành nên những nền tảng thị trường mới.

Các đại biểu đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, dành nguồn lực ngân sách thoả đáng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh; hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng.

Diễn giả đề nghị hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), bảo hiểm xanh, tín dụng xanh và ngân hàng xanh.

Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh thông qua việc ban hành cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung và huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch.

Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước. Đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước.

Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Để đẩy mạnh cải cách thể chế, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Đại biểu cho rằng cải cách thể chế cần bảo đảm tính đồng bộ (giữa trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế, ban hành và tổ chức thực thi, giữa các ngành, lĩnh vực,...).

Cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đấu thầu, cơ chế đặc thù cho một số địa phương động lực (như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…).

Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm), vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt, là vấn đề dài hạn của cả nền kinh tế.

Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Và cuối cùng đó là vấn đề nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo tính toán của WB (2022), việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2-3% GDP của Việt Nam mỗi năm.

Đại biểu đề xuất cần chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Tận dụng tốt hơn các FTA để tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào một vài đối tác, thị trường.

Để nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế, chúng ta cần phát huy nội lực của kinh tế trong nước, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045), củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả.

"Lần này thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới được đưa ra rất mạnh mẽ và tôi rất mừng là Diễn đàn của chúng ta đã đạt được kết quả", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: "Những thông tin quý, hữu ích của Diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước"./.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,707

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn