Hợp đồng ký năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/01/2023 11:07 AM

Hợp đồng mua bán hàng hóa ký năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%? – Thanh Thảo (TPHCM)

Hợp đồng ký năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%?

Hợp đồng ký năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chính sách thuế GTGT 8% trong năm 2022

Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15.

Theo đó, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

- Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Về mức giảm thuế giá trị gia tăng:

- Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ.

- Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, trong năm 2022, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thuế GTGT 8%.

2. Năm 2023 có được giảm thuế GTGT 8% hay không?

Theo Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP, chính sách giảm thuế GTGT 8% chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Như vậy, trong năm 2023, không còn được giảm thuế GTGT 8%.

3. Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng năm 2023

Xem thêm: Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng năm 2023

4. Hợp đồng ký năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%?

* Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa:

Khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Như vậy, nếu thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua trong năm 2022 thì áp dụng thuế GTGT 8%, nếu thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua trong năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 10%.

* Đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ:

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

Như vậy, nếu hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thu tiền trong năm 2022 thì áp dụng thuế GTGT 8%, nếu hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thu tiền trong năm 2023 thì áp dụng thuế GTGT 10%.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 44,835

Bài viết về

Thuế giá trị gia tăng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn