Những hàng hóa dịch vụ không được đề xuất giảm thuế GTGT cuối năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
28/05/2024 13:03 PM

Đây là nội dung tại dự thảo Nghị quyết về giảm thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2024 đang được lấy ý kiến xây dựng.

Những hàng hóa dịch vụ không được đề xuất giảm thuế GTGT cuối năm 2024

Những hàng hóa dịch vụ không được đề xuất giảm thuế GTGT cuối năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Những hàng hóa dịch vụ không được đề xuất giảm thuế GTGT cuối năm 2024

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự thảo Nghị quyết). Mới đây, Cổng TTĐT Chính phủ vừa công bố hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

dự thảo Nghị quyết

Theo đó, tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định trên từ ngày 01 tháng 07 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Như vậy, nhóm hàng hóa dịch vụ không được đề xuất giảm thuế GTGT cuối năm 2024 gồm:

- Viễn thông

- Công nghệ thông tin

- Hoạt động tài chính

- Ngân hàng

- Chứng khoán

- Bảo hiểm

- Kinh doanh bất động sản

- Sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn

- Ngành khai khoáng (không kể khai thác than)

- Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế

- Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất

- Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đánh giá tác động của đề xuất giảm thuế GTGT cuối năm 2024

Theo Báo cáo đánh giá tác động xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng thì:

- Tác động đến nền kinh tế:

+ Tác động tích cực:

(i) Đối với tăng trưởng kinh tế: Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

(ii) Đối với người dân: Đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

(iii) Đối với doanh nghiệp: Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

+ Tác động tiêu cực:

Dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2024 tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong 4 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 15,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.

- Tác động về giới: Không có tác động về giới.

- Tác động về thủ tục hành chính: Quy định loại trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan).

- Tác động đối với hệ thống pháp luật: Hoàn thiện hệ thống chính sách.

- Tác động đến các cam kết quốc tế: Qua rà soát về các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án Nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,829

Bài viết về

Giảm thuế GTGT 2%

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn