Trình tự xem xét quyết định miễn, hoãn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
04/01/2023 15:45 PM

Xin hỏi là đối với biện pháp xử lý vi phạm hành chính thì việc miễn, giảm biện pháp xử lý được quy định thế nào? - Thu Lan (Thái Bình)

Trình tự xem xét quyết định miễn, hoãn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Hình từ Internet)

Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 13/12/2022 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Theo đó, trình tự xem xét quyết định miễn, hoãn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính quy định như sau:

1. Căn cứ đề nghị miễn, hoãn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 111 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

- Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

+ Đang ốm nặng có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

+ Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.

- Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

+ Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

+ Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;

+ Đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

2. Trình tự xem xét quyết định miễn, hoãn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính

Tại Điều 27 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 quy định về việc nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính như sau:

Bước 1: Khi có một trong các căn cứ quy định tại Mục 1, người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền nộp đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo được nộp trực tiếp tại Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; gửi theo đường dịch vụ bưu chính;

Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

(So với Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13, quy định chi tiết cách thức nộp đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính) 

Bước 2: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, người đã đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp.

Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định;

Trường hợp cần thiết, Tòa án đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp, người đã đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có ý kiến bằng văn bản trước khi ra quyết định.

Bước 4: Sau khi xem xét đơn đề nghị, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tài liệu kèm theo, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

- Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

- Quyết định không chấp nhận hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Bước 5: Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có các nội dung chính sau đây:

- Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

- Tên Tòa án ra quyết định;

- Họ và tên Thẩm phán;

- Họ và tên của người có đơn đề nghị;

- Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

(So với Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13, thay “tên cơ quan đề nghị” bằng “Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính” 

- Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có), nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Họ và tên, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của họ (nếu có);

- Lý do, căn cứ ra quyết định;

- Quyết định của Thẩm phán về việc cho hoãn hoặc cho miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

- Quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định; (Nội dung mới bổ sung)

- Hiệu lực của quyết định;

- Nơi nhận quyết định.

Lưu ý: Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 32 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

Người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Viện kiểm sát cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phải chấp hành cư trú trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Xem chi tiết tại Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,009

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn