Đã có định nghĩa thế nào là thuốc lá điện tử (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
14/01/2025 13:52 PM

Bộ Y tế chính thức đã có đề xuất về định nghĩa thế nào là thuốc lá điện tử tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đã có định nghĩa thế nào là thuốc lá điện tử (Đề xuất)

Đã có định nghĩa thế nào là thuốc lá điện tử (Đề xuất) (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Y tế đã có Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; trong đó có việc đề xuất bổ sung nội dung liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đã có định nghĩa thế nào là thuốc lá điện tử (Đề xuất)

Theo đó, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung quy định về định nghĩa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vào sau Điều 2 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Thuốc lá điện tử bao gồm thiết bị điện tử và dung dịch thuốc lá điện tử, được làm nóng khi dùng để tạo ra khí hơi cho người dùng hít vào; có bề ngoài giống sản phẩm thuốc lá điếu hoặc các hình dạng khác, bao gồm loại chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, được thiết kế để có thể dùng một lần hoặc tái nạp dung dịch thuốc lá điện tử để dùng nhiều lần.

- Thuốc lá nung nóng bao gồm thiết bị điện tử và sản phẩm chứa sợi thuốc lá, bột thuốc lá hoặc các chất liệu khác tẩm nicotine có hình dạng điếu thuốc lá, dạng viên nang hoặc các dạng khác; không đốt cháy trực tiếp như đối với thuốc lá điếu để tạo ra các khí hơi; bao gồm cả sản phẩm lai có chứa dung dịch thuốc lá điện tử.

Ngoài ra tại Dự thảo Nghị định này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất chính thức về mức phạt sử dụng thuốc lá điện tử.

Xem thêm: Đề xuất mức phạt đối đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử.

Được biết, Dự thảo Nghị định này được xây dựng dựa trên các cơ sở pháp lý như sau:

- Nghị quyết 20-NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đưa ra mục tiêu tổng quát là “Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam” với mục tiêu cụ thể đến năm 2025  “Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm”, đến năm 2030 “ Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm”.

- Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại Nghị quyết có nội dung “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người”.

- Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 đều đưa ra mục tiêu “Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.

- Các chế tài xử lý hành chính và hình sự hiện hành

Hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng và Điều 90, 91 Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]