Ngày 11/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan phát triển đô thị, bất động sản.
Đề xuất xây dựng, sửa đổi hàng loạt Luật về bất động sản
Cụ thể, Nghị quyết 148/NQ-CP quy định cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện thể chế, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách chủ yếu sau:
(1) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn;
Nghiên cứu, đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị.
Nội dung nghiên cứu:
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quy hoạch đô thị theo hướng tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững;
- Đảm bảo tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn;
- Phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch;
- Ứng dụng GIS trong công tác lập và quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện;
- Lồng ghép trong sửa đổi, bổ sung Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn.
(2) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị;
(3) Xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi);
(4) Xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);
(5) Nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước;
(6) Nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm;
(7) Nghiên cứu, rà soát Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi, bổ sung);
Trong đó, nội dung thực hiện như sau:
- Nghiên cứu các chính sách trong đó sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách về tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn;
- Rà soát, xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý hơn đối với các đô thị đặc biệt để bảo đảm phát huy vai trò của các đô thị động lực trong cả nước, có cơ chế tạo nguồn thu, phân cấp ngân sách để lại cho các đô thị có kế hoạch nâng loại đô thị; phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị các khoản thu từ các loại thuế, phí.
- Thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho các thành phố trực thuộc trung ương và các đô thị khác đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị.
- Tiếp tục có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt về thuế đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế, các vùng công nghiệp lớn.
(8) Xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi);
(9) Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài các dự án xây dựng, sửa đổi văn bản luật liên quan bất động sản nêu trên, Chính phủ còn yêu cầu hoàn thiện nhieuefc chính sách về bất động sản bao gồm:
- Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản, cụ thể:
+ Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả.
+ Hoàn thiện hành lang pháp lý và mô hình tổ chức phù hợp để Nhà nước quản lý thị trường bất động sản, kiểm soát và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng và khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường nhằm tạo nguồn thu cho đô thị.
- Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
+ Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
+ Quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp từng vùng, miền, tại những địa bàn đồi, núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ.
- Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù
+ Hoàn thiện các chính sách xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng về bảo vệ nguồn nước, quản lý chất thải, sử dụng tài nguyên, đất đai theo đặc điểm từng vùng miền.
+ Triển khai xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế;
+ Triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao hiệu quả phát triển Khu công nghiệp và Khu kinh tế trong giai đoạn tới;
+ Đề xuất cơ chế chính sách về việc tích hợp các quy hoạch về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu với đô thị trong quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; cơ chế chính sách về xây dựng dữ liệu thông tin, cập nhật thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu vùng, quốc gia.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 148/NQ-CP có hiệu lực từ ngày ký.
Như Mai