Chính sách y tế, giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
22/08/2022 09:20 AM

Trong tháng 9/2022, có những chính sách mới nào liên quan đến y tế, giáo dục có hiệu lực? - Phi Hùng (Bình Định)

Chính sách y tế, giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2022

Chính sách y tế, giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2022

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về kê đơn thuốc điện tử

Đây là chính sách y tế tại Thông tư 04/2022/TT-BYT quy định về đơn thuốc, kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, có hiệu lực từ ngày 15/9/2022. Cụ thể như sau:

* Kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT tiếp tục thực hiện và tuân theo lộ trình được quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BYT như sau:

- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: Hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.

- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: Hoàn thành trước ngày 30 tháng 06 năm 2023

* Đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú 

Các Mẫu đơn thuốc quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 52/2017/TT-BYT và Mẫu đơn thuốc ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BYT sẽ thay thế bằng Mẫu đơn thuốc quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2022/TT-BYT, bao gồm:

- Phụ lục I: Mẫu đơn thuốc

- Phụ lục II: Mẫu đơn thuốc “N”

- Phụ lục III: Mẫu đơn thuốc “H”

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 27/2021/TT-BYT đang sử dụng đơn thuốc bằng bản giấy theo mẫu đơn thuốc quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYTThông tư 18/2018/TT-BYT được tiếp tục sử dụng bản giấy đã in theo lộ trình quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BYT.

2. Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

Đây là chính sách giáo dục đề cập tại Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 10/9/2022. 

Cụ thể, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được quy định như sau: 

Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là văn bản xác nhận kết quả thi năng lực ngoại ngữ do cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cấp cho người dự thi. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không phải là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam (sau đây gọi là Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam) với cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài) thông qua văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng liên kết để thực hiện một trong những việc:

Đăng ký dự thi, sử dụng địa điểm, tổ chức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Đối tượng liên kết, hồ sơ đề nghị phê duyệt, thủ tục phê duyệt, thẩm quyền phê duyệt, thời hạn, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, chấm dứt liên kết và chế độ báo cáo thực hiện theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Đề án thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam của Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam và Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (sau đây gọi là Các bên liên kết) phải mô tả rõ mức độ đáp ứng các yếu tố bảo đảm chất lượng theo quy định.

3. Yêu cầu với giáo viên dạy chương trình GDTX cấp THPT

Nội dung được quy định tại Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông có hiệu lực từ ngày 10/9/2022.

Theo đó, trung tâm GDTX tổ chức thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT phải đảm bảo các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đảm bảo chất lượng thực hiện Chương trình.

Trong đó, yêu cầu với đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên như sau: 

- Về cán bộ quản lí: Giám đốc, Phó giám đốc trung tâm GDTX phụ trách Chương trình GDTX cấp THPT phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; được bồi dưỡng, tập huấn về quản lí giáo dục và Chương trình GDTX cấp THPT.

- Về đội ngũ giáo viên

+ Căn cứ quy định của Bộ GDĐT về định mức giáo viên trong các cơ sở GDPT công lập và số lượng người học tại các trung tâm GDTX để bố trí đủ số lượng giáo viên đảm bảo để dạy các môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình GDTX cấp THPT cho phù hợp.

+ Về số lượng và cơ cấu giáo viên: Tối thiểu mỗi môn học có ít nhất 01 giáo viên cơ hữu đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn và các môn học tự chọn (nếu có). Riêng môn Toán và môn Ngữ văn có ít nhất từ 2 giáo viên cơ hữu trở lên.

+ 100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn tương ứng với cấp THPT theo đúng quy định tại Luật Giáo dục 2019.

+ Giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cấp THPT và Chương trình GDTX cấp THPT.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,256

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn