Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về bổ sung phạm vi áp dụng hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Trước đó, ngày 5-7, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình tham mưu UBND TP.HCM ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà tại quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều cùng ngày, thành viên ban chỉ đạo đề xuất áp dụng thí điểm trên 21 quận huyện và TP Thủ Đức.
Theo Sở Y tế TP, số trường hợp F1 đang tăng cao, yêu cầu cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế rất nghiêm ngặt, nên thống nhất áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn địa bàn TP.HCM.
Trước đó, Sở Y tế cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và ban ngành đoàn thể phối hợp tổ chức triển khai thí điểm cách ly y tế tại nhà cho F1. Việc này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Theo đó, trường hợp F1 có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính thì được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.
Những đối tượng này phải thuộc một trong những trường hợp: là người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với bệnh nhân nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh; người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật... cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trường hợp F1 đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính cũng được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các F1 cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào ngày thứ nhất, 7, 14, 20, 28 kể từ ngày bắt đầu cách ly.
Phân công một phó giám đốc sở chỉ đạo trực tiếp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - vừa được phân công chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp ban giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong công tác phòng chống COVID-19 - Ảnh: HCDC
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa có quyết định phân công ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP - chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp ban giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Quyết định cũng được sự thống nhất của ban giám đốc Sở Y tế tại cuộc họp ngày 6-7. Các nhiệm vụ khác của ông Nguyễn Hữu Hưng tạm thời do giám đốc Sở Y tế chỉ đạo và phân công các thành viên khác trong ban giám đốc phụ trách thực hiện.
Được biết, giám đốc HCDC hiện nay là bác sĩ Nguyễn Trí Dũng. HCDC (còn được gọi là Trung tâm Y tế dự phòng) có chức năng chính là phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát hiện nay tại TP.HCM.
Ngoài ra, HCDC còn là đơn vị điều phối sử dụng vắc xin tiêm chủng; xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; dinh dưỡng cộng đồng; chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho người dân tại cộng đồng và phát triển, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng.
TP.HCM vượt ngưỡng 8.000 ca mắc COVID-19
Tính đến trưa 7-7, TP.HCM vượt ngưỡng 8.002 ca mắc COVID-19, là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước.
TP.HCM đang đưa ra hàng loạt giải pháp để kiểm soát tình hình như chạy đua xét nghiệm diện rộng truy F0; triển khai cách ly F1 tại nhà; kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM bằng giấy xét nghiệm âm tính và chuẩn bị phương án điều trị cho khoảng 15.000 người bệnh.
THẢO LÊ - HƯƠNG THẢO