25/05/2012 13:59 PM

- Cho rằng có biểu hiện cho thấy nhóm lợi ích thâu tóm những doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém để thu lợi, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý, giám sát.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trao đổi với VietNamNet bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay (25/5).

Có những ý kiến cho rằng đề án tái cơ cấu ngân hàng chỉ liên quan vài ngân hàng nhỏ, chiếm chưa đến 10% thị phần vốn của cả nước thì chưa thể là tái cơ cấu. Quan điểm của ông?

Đề án tái cơ cấu ngân hàng được xây dựng tương đối toàn diện. Nhưng trong năm nay mới tập trung vào các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém, mất khả năng thanh khoản hoặc có khả năng gây ra những đỗ vỡ cho toàn hệ thống. Chính những ngân hàng này nợ quá hạn nhiều, nợ xấu rất cao, khả năng họ hoạt động trên thị trường nâng lãi suất, làm rối. Chứ không phải chỉ làm ngân hàng nhỏ.

Còn tất cả các ngân hàng kia phải làm hết, kể cả chất lượng vốn, kể cả dư nợ, công nghệ, cán bộ, mối quan hệ, mạng lưới. Nhưng đến 2013-2015 mới làm đến các ngân hàng đó, về mặt quản trị, quản lý, khả năng cạnh tranh, chất lượng thanh khoản, chất lượng nợ.

Có thể làm ngay tái cấu trúc ngân hàng quốc doanh không bởi chúng chiếm đa số thị phần vốn, nếu có chuyện gì xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế?

Chắc chắn phải tái cấu trúc ngân hàng quốc doanh nhưng chưa làm đợt này vì không đủ sức. Hiện nay lãi suất cứ tăng vọt, khả năng luồn lách xảy ra nhiều ở ngân hàng nhỏ, mất khả năng thanh toán ở thị trường, gây ảnh hưởng dây chuyền cho các ngân hàng khác cho nên phải làm cái này trước.

Làm ngân hàng nhỏ mới giải quyết cơ bản nợ khó đòi, nợ xấu. Nợ khó đòi, nợ xấu là nguyên nhân của việc không đưa vốn ra được vì cứ đưa vốn ra thì những anh này không đủ tiêu chuẩn hấp thụ vốn.

Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Bình Minh

Vai trò NHNN

Ông có thể lý giải căn nguyên mâu thuẫn khi tăng trưởng tín dụng thời gian qua là âm, trong khi Nghị quyết QH nêu mục tiêu tăng trưởng GDP 6%?

Âm vì vốn không đưa ra được. Có 3 lý do. Một, cả ngân hàng và doanh nghiệp phải tính, ngân hàng cho vay tính chặt chẽ vì sợ nợ quá hạn, nợ xấu, anh doanh nghiệp cũng tính chặt chẽ vì lo mình vay không trả được. Hai, điều kiện vay một số anh không đủ đảm bảo vì anh có nợ quá hạn, nợ xấu, tài chính không tốt.

Ba, thủ tục, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm của các ngân hàng đang hình thành, nó chỉ cho vay anh nào có khả năng, khách ruột, chỉ cho vay anh nào làm cho nó có lợi, chỉ cho vay anh nào nợ không mất an toàn.

Tất cả cộng với độ trễ, vốn nhiều, cả phần không hấp thụ được vốn không đủ tiêu chuẩn, không hấp thụ được vì vay lãi suất cao như thế và đầu vào lớn, dự trữ tồn kho lớn, sức mua giảm thì vay cũng sản xuất ra hàng xếp kho, mà xếp kho lỗ, càng không trả nợ được, ngân hàng càng khó khăn. Đấy là những lý do làm cho có vốn không vay được hoặc vay không sử dụng được hoặc thanh khoản lớn doanh nghiệp vẫn đói vốn.

Ông đề cập đến nhóm lợi ích ở trên. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, trước tình hình doanh nghiệp khó khăn, kinh tế giảm phát, dễ có khả năng tạo thành cơ hội để các nhóm lợi ích thâu tóm doanh nghiệp, ngân hàng. Ông nghĩ thế nào về cảnh báo này?

Cái ý có, cũng có thể đang biểu hiện. NHNN phải đóng vai trò xây dựng tiêu chí, thể chế, kiểm tra, xử lý, điều hòa. Trong kinh tế thị trường, khi có những cái lợi thì người ta tìm mọi cách tập trung thu vén. Bỏ quên vai trò quản lý, giám sát thì hiện tượng sẽ bùng lên thành phổ biến.

Linh Thư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,828

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]