BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2972/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 08 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT CẢNG TRUNG CHUYỂN QUỐC TẾ VÂN PHONG - KHU
BẾN CẢNG ĐẦM MÔN (PHÍA BẮC VỊNH VÂN PHONG) THUỘC CẢNG BIỂN KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN
ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam
ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận
tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát
triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01
năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030;
Trên cơ sở Tờ trình số
1050/TTr-CHHVN ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Cục Hàng hải Việt Nam về rà soát, cập
nhật Quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; Biên bản Hội đồng
thẩm định rà soát, cập nhật Quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân
Phong ngày 28 tháng 7 năm 2014;
Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định
và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi
tiết phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khu bến cảng Đầm Môn
(phía Bắc vịnh Vân Phong) thuộc cảng biển Khánh Hòa với những nội dung chủ yếu
sau:
1. Phạm vi quy
hoạch
Phạm vi quy hoạch là khu vực xây dựng
cảng thuộc vũng Đầm Môn, phía Bắc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
2. Quan điểm quy
hoạch
- Khu bến cảng Đầm Môn được quy hoạch
phát triển tiềm năng thành trung tâm trung chuyển công-ten-nơ quốc tế, có thể
tiếp nhận tàu công-ten-nơ đến 15.000 TEU và lớn hơn.
- Phát triển các bến cảng tổng hợp đa
năng trong giai đoạn đầu nhằm phục vụ khu công nghiệp - đô thị Hòn Gốm, hàng
hóa xuất nhập khẩu cho khu vực, tạo đà thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển Khu
kinh tế Vân Phong.
- Quy hoạch toàn bộ quỹ đất và vùng
nước còn lại để phát triển các bến cảng trung chuyển công-ten-nơ, trong đó dành
vị trí thuận lợi để phát triển các bến trung chuyển đầu tiên khi có đủ điều kiện.
3. Mục tiêu quy
hoạch
Quy hoạch phát triển khu bến cảng Đầm
Môn bao gồm: khu bến cảng tổng hợp đa năng, công-ten-nơ có thể tiếp nhận tàu có
trọng tải đến 100.000 DWT và lớn hơn, có bến chuyên dùng cho tàu khách du lịch
quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Vân Phong và khu vực lân cận; khu bến cảng
tiềm năng phát triển lâu dài để đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế khi có đủ
điều kiện, trong đó:
- Khu bến cảng tổng hợp đa năng; Quy
hoạch phát triển đáp ứng thông qua lượng hàng trong giai đoạn đến năm 2020 là
khoảng 1,0 triệu tấn/năm; giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 1,5-2,0 triệu tấn/năm
và giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 6,0 triệu tấn/năm; phát triển bến khách du
lịch quốc tế tại khu vực Hòn Ông khi có điều kiện;
- Khu bến cảng trung chuyển
công-ten-nơ quốc tế: Quy hoạch phát triển không gian đáp ứng lượng hàng thông
qua cho giai đoạn tiềm năng khoảng từ 14 - 16 triệu TEU/năm.
4. Nội dung quy
hoạch
a) Khu bến cảng tổng hợp đa năng:
- Giai đoạn 2020 - 2025: Quy hoạch
các bến tổng hợp đa năng ở phía đông bắc vũng Đầm Môn, đáp ứng lượng hàng tổng
hợp thông qua khoảng 1,5 - 2,0 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải
từ 50.000 - 100.000 DWT. Diện tích khoảng 20 ha, chiều dài tuyến bến là 500 m.
- Giai đoạn 2025 - 2030: Quy hoạch
các bến tổng hợp đa năng tiếp theo, đáp ứng lượng hàng tổng hợp thông qua khoảng
6,0 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 - 100.000 DWT. Diện
tích khu bến khoảng 47,25 ha, chiều dài tuyến bến là 1.050 m.
b) Khu bến trung chuyển công-ten-nơ
quốc tế:
Quy hoạch tiềm năng quỹ đất khoảng
500 ha đến 600 ha và tuyến đường bờ khoảng 6.500 m đến 7.000 m để phát triển
khu bến trung chuyển công-ten-nơ quốc tế, có thể tiếp nhận tàu chở công-ten-nơ
có sức chở 15.000 TEU và lớn hơn, đáp ứng thông qua lượng hàng khoảng từ 14 -
16 triệu TEU/năm.
c) Cơ sở hạ tầng công cộng tại khu vực:
Phát triển theo Quyết định số
380/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh
quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030.
5. Các cơ chế,
chính sách và giải pháp thực hiện
- Khuyến khích, kêu gọi và tạo điều
kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn vận tải biển, khai thác cảng
công-ten-nơ tầm cỡ quốc tế tham gia đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế;
Đẩy mạnh quảng bá những lợi thế của khu bến cảng và những cơ chế ưu đãi về đầu
tư, kinh doanh dịch vụ tại Khu kinh tế Vân Phong để thu hút đầu tư.
- Khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng
cảng biển, dịch vụ logistics tham gia đầu tư tại khu bến cảng Đầm Môn để từng
bước hình thành mạng feeder kết nối khu bến cảng với các cảng biển trong khu vực
để gom hàng, tạo đà phát triển bến cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế.
- Kết hợp đẩy mạnh đầu tư phát triển
kinh tế - xã hội, khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm tài chính, ngân hàng,
các cơ sở dịch vụ để tăng cường sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư phát triển cảng
trung chuyển quốc tế.
Điều 2. Triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch cảng
a) Cục Hàng hải Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc
quản lý quy hoạch phát triển cảng biển tại khu bến cảng Đầm Môn phù hợp với quy
hoạch được duyệt.
- Xây dựng phương án huy động các nguồn vốn đầu tư,
chủ động kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng bến
cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế tại khu bến cảng Đầm Môn.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh
Hòa thực hiện công bố, tổ chức quản lý quy hoạch.
- Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, tổng
hợp, báo cáo, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định điều chỉnh,
bổ sung quy hoạch hoặc xử lý những trường
hợp vi phạm quy hoạch (nếu có).
b) Ủy ban
nhân dân tỉnh Khánh Hòa
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với
Cục Hàng hải Việt Nam quản lý chặt quỹ đất, vùng nước để phát triển cảng phù hợp
với quy hoạch đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với
Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch và xúc tiến
kêu gọi đầu tư phát triển cảng theo quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết
định số 1714/QĐ-BGTVT ngày 21/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phê
duyệt quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục
trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, XD, QP, CA, NT&PTNT;
- Các Thứ trưởng;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, KHĐT (05b).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|