QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LẬP HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật phòng, chống ma túy
ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành
chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự,
thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án
nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP
ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ
sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 94/2010/NĐ-CP
ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy
tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng;
Căn cứ Nghị định số 221/2013/NĐ-CP
ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Thông tư số
14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 06 năm 2014 của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu mẫu về lập hồ sơ đề nghị thi
hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện
bắt buộc;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10 tháng 02 năm 2012 của Liên Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Y tế và Công an quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định
số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 667/TTr-SLĐTBXH ngày 29 tháng 9 năm
2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp lập hồ sơ
và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển
khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động- Thương
binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố Huế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Thủ trưởng các cơ
quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các Bộ: LĐTBXH, Bộ CA, Bộ YT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư
pháp;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Thành viên BCĐ PCTP và TNXH tỉnh;
- CVP, các PCVP, các CV;
- Lưu: VT, YT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Dung
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP LẬP HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Ouyết định số 47/2015/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2015 của
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc,
hình thức, nội dung phối hợp; quy chế phối hợp lập hồ sơ, thủ tục cai nghiện ma
túy và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện
ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan, tổ chức và cá nhân tham gia công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng;
cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc lập hồ
sơ và tổ chức cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; người
nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy.
3. Không lập hồ sơ đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện đối với các trường hợp quy định tại Điều 5
Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế
độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 2. Nguyên
tắc phối hợp
1. Tuân thủ các quy định của Luật
Phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Hoạt động phối hợp được thực hiện
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân theo quy định
của pháp luật.
3. Đảm bảo tính kịp
thời, đồng bộ và hiệu quả trong hoạt động phối hợp; thực hiện đầy đủ vai trò,
trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan, đơn vị
phối hợp và cán bộ, công chức, viên chức tham gia thực hiện công tác tổ chức
cai nghiện.
4. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp
của bản thân và gia đình người nghiện tham gia cai nghiện, không kỳ thị, phân
biệt đối xử.
Điều 3. Hình thức
phối hợp
Tùy theo tính chất, nội dung công việc
cần phối hợp với các cơ quan khác, cơ quan chủ trì quyết định áp dụng một trong các hình thức phối hợp sau đây:
1. Phát hành văn bản hoặc gửi hồ sơ đề
nghị cơ quan phối hợp tham gia ý kiến.
2. Tổ chức họp liên ngành
3. Cơ quan phối hợp phân công cán bộ
chuyên môn nghiệp vụ giúp cơ quan chủ
trì giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi và đảm bảo
đúng nguyên tắc phối hợp.
Điều 4. Nội
dung phối hợp
1. Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh trong việc xây dựng cơ chế chính sách có liên quan đến công tác cai nghiện
ma túy tại gia đình, cộng đồng; công tác lập hồ sơ và tổ
chức cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.
2. Phối hợp tuyên truyền phổ biến về
tác hại của ma túy, cơ chế gây nghiện và phòng ngừa nghiện ma túy; về thẩm quyền,
chính sách, hình thức và quy trình tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai
nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tại cơ sở
cai nghiện.
3. Phối hợp trong công tác quản lý địa
bàn, hướng dẫn tổ chức điều tra, thống kê, rà soát, phân
loại người nghiện ma túy; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ
năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện.
4. Phối hợp trong
việc bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện.
5. Tổ chức các hoạt động cai nghiện;
theo dõi, động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy tuân thủ, thực hiện tốt quy
trình cai nghiện.
6. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất kinh doanh, cơ sở dạy nghề phối hợp trong việc tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người đang trong quá trình cai nghiện và sau cai nghiện nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện ma túy.
7. Trao đổi thông tin, thực hiện chế
độ báo cáo; thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và xử lý vi phạm theo quy định.
Chương II
PHỐI HỢP LẬP HỒ
SƠ, THỦ TỤC CAI NGHIỆN MA TÚY
Điều 5. Trình tự lập hồ sơ, thủ
tục áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình - cộng đồng
1. Bản thân và gia đình người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức
cai nghiện tự nguyện tại gia đình - cộng đồng với Tổ công
tác cai nghiện các xã, phường, thị trấn (gọi tắc là cấp
xã).
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đăng
ký, Tổ công tác cai nghiện cấp xã có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ và làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Tổ công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình - cộng
đồng.
Điều 6. Trình tự
phối hợp lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng
đồng
1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể
từ khi tiếp nhận hồ sơ do Công an cấp xã đề nghị, Tổ công tác cai nghiện có
trách nhiệm tổ chức phiên họp thẩm tra, xét duyệt hồ sơ, xây dựng kế hoạch cai nghiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết
định.
2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy
bắt buộc tại cộng đồng.
3. Trạm y tế cấp
xã bố trí buồng có giường bệnh, để
theo dõi, xác định các triệu chứng về tình trạng nghiện ma túy.
4. Công an cấp xã bố trí lực lượng phối hợp Ban bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tự vệ...đảm
bảo an ninh trật tự và đảm bảo sự có mặt của người thuộc diện phải xác định
tình trạng nghiện ma túy trong suốt quá trình cơ quan y tế
thực hiện chuyên môn nghiệp vụ để xác định
tình trạng nghiện ma túy.
Điều 7. Trình tự
phối hợp lập hồ sơ, thủ tục tiếp nhận người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện
tại Trung tâm Bảo trợ xã hội
1. Bản thân hoặc
gia đình người nghiện ma túy làm đơn, tự giác khai báo
tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện, có xác nhận của
chính quyền cấp xã nơi cư trú, gửi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm), địa chỉ: tổ 4,
thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể
từ khi nhận được hồ sơ, Giám đốc Trung tâm quyết định tiếp nhận người nghiện ma
túy cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm.
Điều 8. Trình tự phối hợp lập
và thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm
1. Sau khi hoàn thành việc lập
hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm theo quy định của Pháp luật,
cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị
áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Đồng
thời, cơ quan lập hồ sơ đánh bút lục và lập thành hai bản, bản gốc gửi Trưởng
phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý, bản sao lưu tại cơ quan lập hồ
sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng
văn bản và gửi trực tiếp Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.
3. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ
ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội đối chiếu hồ sơ đề nghị theo quy định với nội dung văn bản
kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, đánh bút lục và lập
thành 02 bản, bản gốc chuyển trực tiếp cho Tòa án nhân dân cấp huyện, bản sao
lưu tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm của phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội, Toà án nhân dân xem xét, ra quyết định áp dụng
biện pháp đưa vào Trung tâm.
5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực
pháp luật của Tòa án nhân dân, cơ quan Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội đưa người nghiện đi chấp hành Quyết định.
Trường hợp người nghiện bỏ trốn thì
Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ ra Quyết định truy tìm.
Điều 9. Tổ chức quản lý người
nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Cơ sở quản lý người nghiện không
có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, địa chỉ:
tổ 4, thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Người nghiện ma túy được phát hiện
trên địa bàn tỉnh nhưng không có nơi cư trú ổn định trong thời
gian chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được
đưa vào Trung tâm quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Tổ chức xã hội có nhiệm vụ hỗ trợ,
giúp đỡ, giáo dục người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời
gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh.
4. Chế độ hỗ trợ đối với người nghiện
ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian quản lý
tại Trung tâm do Ủy ban nhân dân tỉnh qui định.
Chương III
TRÁCH NHIỆM PHỐI
HỢP THỰC HIỆN
Điều 10. Trách
nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước
về công tác cai nghiện ma túy tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành kế hoạch hàng năm, dài hạn về công tác cai nghiện.
2. Trực tiếp chỉ đạo công tác cai
nghiện và quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại Trung tâm; chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa
phương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác cai nghiện
ma túy trên địa bàn tỉnh.
3. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy
ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy.
4. Hướng dẫn các biểu mẫu về lập hồ
sơ đề nghị thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày
12 tháng 06 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành biểu mẫu về lập hồ sơ đề nghị thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy,
quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Định kỳ 06 tháng, năm tổng hợp báo
cáo và đề xuất giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện
Quy chế này với Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 11. Trách
nhiệm của Sở Y tế
1. Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu
UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện ma túy. Chủ trì, tổ chức,
hướng dẫn đội ngũ y tế, các trạm Y tế, phòng khám khu vực, bệnh viện các cấp,
phòng y tế của Trung tâm về trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy.
2. Chỉ đạo các Trạm Y tế cấp xã phối
hợp với Tổ công tác cai nghiện trong việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng, xác định nghiện
ma túy; chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế
thực hiện điều trị cắt cơn nghiện ma túy theo quy định.
3. Hướng dẫn phác đồ điều trị nghiện
ma túy tổng hợp; kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn trong hỗ trợ
điều trị cắt cơn nghiện ma túy, phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng, tại Trung tâm.
4. Chỉ đạo các cơ sở y tế chuyên khoa
phối hợp với Trung tâm trong việc xét nghiệm, điều trị các bệnh xã hội và hướng
dẫn việc phòng, chống lây nhiễm lao và HIV/AIDS cho học viên tại Trung tâm.
5. Tham mưu trình UBND tỉnh về chế độ
miễn, giảm viện phí cho người nghiện ma túy đang cai nghiện.
Điều 12. Trách nhiệm của Công
an tỉnh
1. Chỉ đạo Công
an cấp huyện, cấp xã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân
cùng cấp lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy. Đồng thời,
tổ chức đưa người đã có quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc vào
cai nghiện tại Trung tâm.
2. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ;
tập huấn, hướng dẫn sử dụng và cáp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng
làm công tác bảo vệ, cán bộ Trung tâm theo quy định của pháp luật.
3. Hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh trật
tự, phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức,
thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng, tại Trung tâm khi có yêu
cầu.
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng
điều tra, xử lý người cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng, học viên và
người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đang được quản lý tại Trung tâm
có hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 13. Trách
nhiệm của Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội trình UBND tỉnh quyết định nội dung chi, mức chi, cho công tác
cai nghiện ma túy.
Điều 14. Trách
nhiệm của Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ sở quản lý người
nghiện không có nơi cư trú ổn định.
Điều 15. Trách
nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo Phòng
Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp huyện và
UBND cấp xã trong việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện
pháp đưa vào Trung tâm.
b) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp phòng Y tế, Ủy ban
nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện sử dụng cơ sở vật chất hiện có tại địa phương để tổ chức điều trị cắt cơn nghiện ma túy. Đối với những xã, phường,
thị trấn có số người nghiện ít, không cần thiết hoặc không có điều kiện thành lập Cơ sở điều trị cắt cơn riêng biệt,
thì liên kết với các xã, phường, thị trấn khác hoặc kết hợp
với Trung tâm Y tế, các cơ sở khác được phép điều trị cắt cơn trong khu vực để
tổ chức điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy.
Trường hợp không có cơ sở vật chất để
tổ chức Cơ sở điều trị cắt cơn thì phối
hợp tham mưu, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
quyết định xây dựng Cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy phù hợp với nhu cầu,
khả năng của địa phương.
c) Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh
phí công tác cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng đối với cấp xã; tổ chức
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy.
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã
thành lập Tổ công tác cai nghiện theo quy định của pháp luật; hỗ trợ tạo điều
kiện cho những người đã chấp hành xong các biện pháp cai nghiện ma túy tạo việc
làm, sớm hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện ma túy.
đ) Kiểm tra công tác cai nghiện ma
túy tại gia đình - cộng đồng ở địa phương. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về
công tác cai nghiện ma túy theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Quyết định thành lập Tổ công tác cai nghiện theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế
hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy tại
gia đình - cộng đồng.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Tổ công tác cai
nghiện tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về công tác cai nghiện ma túy
theo quy định.
c) Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện
pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm; hướng dẫn gia đình có người nghiện
và đoàn thể ở địa phương tham gia hỗ trợ, giáo dục, giúp đỡ
người nghiện trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma
túy bắt buộc tại Trung tâm.
d) Thành lập các
câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm giúp người
cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe,
nhân cách và sớm hòa nhập cộng đồng.
đ) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người đã
chấp hành xong quyết định cai nghiện ma túy được học nghề, tìm việc làm, vay vốn
sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội; tích cực phòng,
chống tái nghiện ma túy.
e) Bố trí nguồn lực cho công tác đảm
bảo an ninh trật tự trong quá trình xác định tình trạng
nghiện và tổ chức công tác cai nghiện ma túy.
Điều 16. Đề nghị Tòa án nhân
dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể có liên quan
1. Tòa án nhân dân tỉnh, chỉ đạo Tòa
án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm đúng quy trình, đẩy nhanh tiến độ
trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xử lý các trường hợp còn vướng mắc về hồ
sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện vào Trung tâm.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,
Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế
và các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc vận động người nghiện và
thân nhân gia đình người nghiện ma túy tích cực phối hợp triển
khai thực hiện Quy chế này.
Điều 17. Chế độ
báo cáo
Định kỳ sáu tháng (trước ngày 15/6),
năm (trước ngày 15/12), các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố báo cáo tình hình và kết quả thực hiện
công tác cai nghiện về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội để tổng hợp.
Điều 18. Kinh
phí thực hiện
Kinh phí đảm bảo cho việc áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác tổ chức
cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng được bố trí trong
dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có
liên quan trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình
thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp quá trình thực hiện Quy chế của các cơ quan,
đơn vị.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện
nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh bằng văn bản về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để trình UBND tỉnh xem
xét, sửa đổi cho phù hợp./.