BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2024/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 05 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ
NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của
Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông
vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh
nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn,
điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao
thông vận tải, bao gồm:
1. Tiêu chuẩn, điều kiện xét
thăng hạng lên hạng II đối với viên chức chuyên ngành kỹ thuật bến phà.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện xét
thăng hạng lên hạng I, hạng II đối với viên chức các chuyên ngành:
a) Quản lý dự án hàng hải;
b) Quản lý dự án đường thuỷ;
c) Quản lý dự án đường bộ;
d) Quản lý dự án đường sắt;
đ) Kỹ thuật đường bộ;
e) Tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
g) Thông tin an ninh hàng hải;
h) Cảng vụ đường thuỷ nội địa;
i) Cảng vụ hàng hải;
k) Cảng vụ hàng không;
l) Đăng kiểm.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với
viên chức chuyên ngành giao thông vận tải làm việc trong các đơn vị sự nghiệp
công lập, các tổ chức hành chính được áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự
nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương II
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN
XÉT THĂNG HẠNG VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Điều 3.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét chung
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều
kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý viên chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức).
2. Có vị trí việc làm còn thiếu
tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.
3. Được người đứng đầu cơ quan
có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp.
4. Đáp ứng yêu cầu về thời gian
công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề, cụ thể như sau:
a) Viên chức được xét thăng hạng
lên chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng I có
thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng
II và tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ
sơ đăng ký dự xét thăng hạng;
b) Viên chức được xét thăng hạng
lên chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng II có
thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng
III và tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử
việc) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
Điều 4.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên
ngành giao thông vận tải lên hạng I
Viên chức chuyên ngành giao
thông vận tải xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều
kiện chung quy định tại Điều 3 Thông tư này và tiêu chuẩn,
điều kiện cụ thể sau:
1. Đối với viên chức các chuyên
ngành quản lý dự án hàng hải, quản lý dự án đường thuỷ, quản lý dự án đường bộ,
quản lý dự án đường sắt, kỹ thuật đường bộ, trong thời gian giữ chức danh nghề
nghiệp hạng II và tương đương đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Chủ trì xây dựng ít nhất 01
(một) đề tài, đề án, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh
trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì xây dựng đã được cấp có
thẩm quyền nghiệm thu;
b) Chủ trì xây dựng ít nhất 02
(hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp cơ sở mà đơn
vị sử dụng viên chức được giao chủ trì xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm
thu;
c) Chủ nhiệm khảo sát 01 (một)
dự án nhóm A hoặc 02 (hai) dự án nhóm B đã được nghiệm thu hoặc giám đốc quản
lý dự án của 01 (một) dự án nhóm A hoặc 02 (hai) dự án nhóm B đã được nghiệm
thu đưa vào sử dụng;
d) Chủ nhiệm khảo sát hoặc chủ
trì kiểm định hoặc chủ trì thiết kế hoặc chủ trì thẩm định hoặc chủ trì thẩm
tra thiết kế 01 (một) công trình cấp I hoặc 02 (hai) công trình cấp II đã được
nghiệm thu hoặc giám sát trưởng 01 (một) công trình cấp I hoặc 02 (hai) công
trình cấp II đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng;
đ) Chủ trì thực hiện lập chi
phí đầu tư xây dựng của 01 (một) dự án nhóm A hoặc 02 (hai) dự án nhóm B hoặc
01 (một) công trình cấp I hoặc 02 (hai) công trình cấp II đã được nghiệm thu;
e) Tham gia quản lý dự án của
01 (một) dự án nhóm A hoặc 02 (hai) dự án nhóm B đã được nghiệm thu đưa vào sử
dụng và có một trong bốn chứng chỉ hành nghề: quản lý dự án hạng I, thiết kế
xây dựng hạng I, giám sát thi công xây dựng hạng I, định giá xây dựng hạng I.
2. Đối với viên chức các chuyên
ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải, cảng vụ đường thuỷ
nội địa, cảng vụ hàng hải, cảng vụ hàng không, trong thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp hạng II và tương đương đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Tham gia xây dựng ít nhất 02
(hai) văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị sử dụng viên chức được giao tham gia
xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Chủ trì xây dựng ít nhất 02
(hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp
bộ, cấp ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được
giao chủ trì xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu;
c) Tham gia xây dựng ít nhất 01
(một) văn bản quy phạm pháp luật và chủ trì xây dựng ít nhất 01 (một) đề tài, đề
án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp ngành,
lĩnh vực hoặc cấp tỉnh trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì hoặc
tham gia xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
3. Đối với viên chức chuyên
ngành đăng kiểm, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II và tương
đương đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Tham gia xây dựng ít nhất 02
(hai) văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị sử dụng viên chức được giao tham gia
xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Tham gia xây dựng ít nhất 02
(hai) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp
ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao
tham gia xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu;
c) Tham gia xây dựng ít nhất 01
(một) văn bản quy phạm pháp luật và ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, chương
trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh
trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao tham gia xây dựng đã được cấp có
thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
Điều 5.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên
ngành giao thông vận tải lên hạng II
Viên chức chuyên ngành giao
thông vận tải xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II phải đáp ứng tiêu chuẩn,
điều kiện chung quy định tại Điều 3 Thông tư này và tiêu chuẩn,
điều kiện cụ thể sau:
1. Đối với viên chức các chuyên
ngành quản lý dự án hàng hải, quản lý dự án đường thuỷ, quản lý dự án đường bộ,
quản lý dự án đường sắt, kỹ thuật đường bộ, trong thời gian giữ chức danh nghề
nghiệp hạng III và tương đương đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Tham gia xây dựng ít nhất 01
(một) đề tài, đề án, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh
trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao tham gia xây dựng đã được cấp có
thẩm quyền nghiệm thu;
b) Tham gia xây dựng ít nhất 02
(hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp cơ sở mà đơn
vị sử dụng viên chức được giao chủ trì xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm
thu;
c) Chủ nhiệm khảo sát 01 (một)
dự án nhóm B hoặc 02 (hai) dự án nhóm C đã được nghiệm thu hoặc giám đốc quản
lý dự án của 01 (một) dự án nhóm B hoặc 02 (hai) dự án nhóm C đã được nghiệm
thu đưa vào sử dụng;
d) Chủ nhiệm khảo sát hoặc chủ
trì kiểm định hoặc chủ trì thiết kế hoặc chủ trì thẩm định hoặc chủ trì thẩm
tra thiết kế hoặc giám sát trưởng của 01 (một) công trình cấp II hoặc 02 (hai)
công trình cấp III đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng;
đ) Chủ trì thực hiện lập chi
phí đầu tư xây dựng của 01 (một) dự án nhóm B hoặc 02 (hai) dự án nhóm C hoặc
01 (một) công trình cấp II hoặc 02 (hai) công trình cấp III đã được nghiệm thu;
e) Tham gia quản lý dự án của
01 (một) dự án nhóm B hoặc 02 (hai) dự án nhóm C đã được nghiệm thu đưa vào sử
dụng và có một trong bốn chứng chỉ hành nghề: quản lý dự án hạng II, thiết kế
xây dựng hạng II, giám sát thi công xây dựng hạng II, định giá xây dựng hạng
II.
2. Đối với viên chức các chuyên
ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải, cảng vụ đường thuỷ
nội địa, cảng vụ hàng hải, cảng vụ hàng không, trong thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp hạng III và tương đương đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện
sau:
a) Tham gia xây dựng ít nhất 01
(một) văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị sử dụng viên chức được giao tham gia
xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng
ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở
trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì hoặc tham gia xây dựng đã
được cấp có thẩm quyền nghiệm thu;
c) Chủ trì xây dựng ít nhất 01
(một) sáng kiến kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã
được cấp có thẩm quyền công nhận.
3. Đối với viên chức chuyên
ngành đăng kiểm, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III và tương
đương đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Tham gia xây dựng ít nhất 01
(một) văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị sử dụng viên chức được giao tham gia
xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Tham gia xây dựng ít nhất 01
(một) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp
ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao
tham gia xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu.
4. Đối với viên chức chuyên
ngành kỹ thuật bến phà, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III và
tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, dự án, chương
trình khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được
giao tham gia xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.
2. Trường hợp văn bản quy phạm
pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay
thế bằng văn bản mới thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung
hoặc thay thế.
3. Thông tư này bãi bỏ các quy
định sau:
a) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 7, khoản 4 Điều 8 Thông tư số 38/2022/TT-BGTVT
ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu
nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải;
b) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 39/2022/TT-BGTVT ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ đường thuỷ nội
địa;
c) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6, khoản 4 Điều 8 Thông tư số 40/2022/TT-BGTVT
ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ
hàng hải;
d) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 41/2022/TT-BGTVT ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải;
đ) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 43/2022/TT-BGTVT ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường
thuỷ;
e) Điểm c khoản
2 Điều 1, điểm c khoản 3 Điều 1, điểm c khoản 4 Điều 1, điểm c khoản 5 Điều 1
Thông tư số 44/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2020/TT-BGTVT ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ hàng không;
g) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6, khoản 4 Điều 7 Thông tư số 45/2022/TT-BGTVT
ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành đăng kiểm;
h) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 46/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng
12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường bộ;
i) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6, khoản 4 Điều 8 Thông tư số 47/2022/TT-BGTVT
ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành kỹ thuật
đường bộ, chuyên ngành kỹ thuật bến phà;
k) Khoản 4 Điều
4, khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 49/2022/TT-BGTVT ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường sắt.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, các Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng Bộ GTVT;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông; Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (P.Thanh).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Xuân Sang
|