BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/VBHN-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 04 năm 2015
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VIỆT NAM TRÊN CÁC
VÙNG BIỂN
Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm
2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân
Việt Nam trên các vùng biển, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2010, được
sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm
2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về
lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2012.
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (tờ trình số 4382/TTr-BNN-KTBVNLTS ngày 31 tháng 12 năm
2009 và công văn số 716/BC-BNN-TCTS ngày 16 tháng 3 năm 2010),1
Chương 1.
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về quản lý hoạt động
khai thác thủy sản trong và ngoài vùng biển Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân Việt Nam
thực hiện hoạt động khai thác thủy sản là đối tượng áp dụng của Nghị định này.
Điều 2. Giải thích từ
ngữ
1. Tuyến bờ là các đoạn thẳng gấp
khúc nối liền các điểm: từ điểm 01 đến điểm 18. Tọa độ các điểm từ điểm 01 đến điểm
18 được xác định bởi kinh độ và vĩ độ quy định cụ thể trong Phụ
lục.
2. Tuyến lộng là các đoạn thẳng gấp
khúc nối liền các điểm: từ điểm 01’ đến điểm 18’. Tọa độ các điểm từ điểm 01’
đến điểm 18’ được xác định bởi kinh độ và vĩ độ quy định cụ thể trong Phụ lục.
3. Vùng biển Việt Nam là các vùng
biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Luật Biên giới Quốc gia ngày 17 tháng 6
năm 2003;
4.2 Vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam
là vùng biển cả, vùng biển của quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
5.3
Biển cả là tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh
hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của
quốc gia quần đảo.
Điều 3. Nguyên tắc
chung
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
giúp Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá
nhân Việt Nam trong và ngoài vùng biển Việt Nam.
2. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản nhằm
tổ chức khai thác có hiệu quả và đi đôi với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi
thủy sản; bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên
các vùng biển; bảo đảm tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản hợp pháp trong và
ngoài vùng biển Việt Nam.
3. Phân tuyến để chia vùng biển Việt Nam
thành các vùng khai thác thủy sản nhằm mục tiêu phân bố hợp lý năng lực khai
thác thủy sản trên các vùng biển, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động
khai thác thủy sản.
Chương 2.
QUẢN LÝ
HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 4. Phân vùng
khai thác thủy sản
1. Vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng
khai thác thủy sản theo thứ tự:
a)4
Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mực nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ.
Đối với các địa phương có đảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào sự cần
thiết và đặc điểm cụ thể của từng đảo quy định vùng biển ven bờ của
các đảo đó, nhưng giới hạn không quá sáu (06) hải lý, tính từ mực nước
thủy triều thấp nhất của đảo.”
b) Vùng lộng: là vùng biển được giới hạn bởi
tuyến bờ và tuyến lộng;
c) Vùng khơi: là vùng biển được giới hạn bởi
tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển
Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân hai tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương ven biển (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tiếp giáp nhau
căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển ven bờ để hiệp thương xác
định và công bố ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai tỉnh.
Điều 5. Quản lý hoạt
động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam
Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản
trong vùng biển Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và
các quy định sau đây:
1. Quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục các loài thủy sản bị
cấm khai thác; các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử
dụng hoặc bị hạn chế sử dụng tại các vùng biển hoặc từng tuyến khai thác; khu
vực bị cấm khai thác và khu vực bị cấm khai thác có thời hạn; chủng loại, kích
cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác.
2. Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại
các vùng khai thác thủy sản:
a) Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ
90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cá, không được khai
thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng;
b) Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ
20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được
khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả;
c) Tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20
CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ không được
khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả;
d) Các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề
khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong
vùng biển ven bờ và vùng lộng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các
nghề và ngư trường hoạt động cho các tàu này;
đ) Ngoài quy định về công suất máy chính của
tàu, tàu khai thác hải sản còn phải đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn
khi tàu hoạt động trên từng vùng biển.
3. Tàu cá khai thác thủy sản dưới 20 CV hoặc tàu
không lắp máy đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được khai thác thủy sản tại vùng
biển ven bờ của tỉnh đó. Trừ trường hợp Ủy ban nhân dân của hai tỉnh có biển
liền kề có thỏa thuận riêng về việc cho phép tàu cá tỉnh bạn vào khai thác thủy
sản trong vùng biển ven bờ của tỉnh mình.
4. Tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng
khơi phải được đánh dấu để nhận biết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng và
vùng khơi.
Chương 3.
QUẢN LÝ
HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN Ở VÙNG BIỂN NGOÀI VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 6. Điều kiện
khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam.5
Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở ngoài
vùng biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đối với tàu cá:
a) Tàu cá có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn
chế cấp I hoặc cấp không hạn chế. Trường hợp hoạt động tại vùng biển của quốc
gia thuộc khu vực Đông Nam Á thì tàu cá phải có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động
hạn chế cấp II trở lên;
b) Đã được đăng ký, đăng kiểm. Giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải còn thời gian hiệu lực ít nhất là 3 tháng;
c) Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho
người và tàu cá, thông tin liên lạc tương ứng với vùng biển hoạt động theo quy
định của pháp luật;
d) Có đủ biên chế thuyền viên theo quy định
của pháp luật.
2. Đối với thuyền viên và người làm việc trên
tàu cá:
a) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng
hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Có bảo hiểm thuyền viên;
c) Có sổ thuyền viên tàu cá hoặc chứng chỉ
nghiệp vụ thuyền viên tàu cá.
3. Đối với tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi
khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều
kiện quy định đối với tàu cá, đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá
và các điều kiện sau:
a) Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với
tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm
quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung
của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia và vùng lãnh thổ có biển với nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Thuyền viên trên tàu phải có hộ chiếu phổ
thông;
c) Trên tàu hoặc cùng một nhóm tàu phải có ít
nhất một (01) người biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng
lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác;
d) Đáp ứng được điều kiện khác theo quy định
của pháp luật nước sở tại (nếu có).
4. Đối với tổ chức, cá nhân tổ chức đưa tàu
cá đi khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều
kiện sau:
a) Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với
tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm
quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung
của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác với nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Đáp ứng các điều kiện về tàu cá, thuyền
viên và người làm việc trên tàu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này;
c) Đáp ứng các điều kiện khác theo quy định
của pháp luật nước sở tại (nếu có).
Điều 7. Thủ tục và
trình tự cấp phép cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc
vùng lãnh thổ khác và trả lại giấy tờ mà tổ chức, cá nhân đã nộp khi được cấp
phép
6
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho Tổng cục
Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ một (01) bộ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp phép cho tàu cá hoạt động
khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác;
b) Hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản ở vùng
biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và
lãnh thổ đó chấp thuận (bản công chứng);
c) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản sao
chụp);
d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá
(bản sao chụp);
đ) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền
viên, người làm việc trên tàu cá;
e) Bằng thuyền trưởng, máy trưởng (bản sao
chụp).
2. Trong thời hạn (05) năm ngày làm việc, kể
từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản xem xét hồ sơ và cấp phép
cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác
(bằng tiếng Việt và tiếng Anh).
Trong trường hợp không cấp phép thì Tổng cục
Thủy sản phải có văn bản trả lời chủ tàu cá và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn (05) năm ngày làm việc, kể
từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản xem xét hồ sơ, cấp phép
cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác và
các giấy tờ có liên quan (bằng tiếng Việt và tiếng Anh), gồm:
a) Giấy phép cho tàu cá khai thác thủy sản
khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác;
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
d) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền
viên và người làm việc trên tàu cá.
4. Sau khi cấp phép cho tàu cá đi khai thác
thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác, trong thời hạn hai (02)
ngày làm việc, kể từ ngày cấp phép, Tổng cục Thủy sản phải thông báo cho Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh nơi có tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia
hoặc lãnh thổ khác và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp
theo dõi và quản lý.
5. Tổ chức, cá nhân khi nhận giấy phép cho
tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác và các giấy
tờ có liên quan phải nộp lại cho Tổng cục Thủy sản các giấy tờ sau:
a) Giấy phép khai thác thủy sản (bản chính);
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản
chính);
c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá
(bản chính).
6. Để nhận lại các giấy tờ đã nộp, tổ chức,
cá nhân gửi đơn đề nghị nhận lại các giấy tờ đến Tổng cục Thủy sản (theo mẫu
quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định
này).
Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ
ngày nhận được đơn theo quy định, Tổng cục Thủy sản phải trả lại các giấy tờ mà
tổ chức, cá nhân đã nộp.”
Chương 4.
TRÁCH
NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN
Điều 8. Trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam
1. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy
định tại Điều 21 của Luật Thủy sản.
2. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị
định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về bảo đảm an toàn
cho người và tàu cá hoạt động thủy sản và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Trong quá trình hoạt động trên biển, trên
tàu cá phải có các giấy tờ (bản chính) sau đây:
a) Giấy phép khai thác thủy sản, trừ khai
thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn;
b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá
đối với loại tàu cá theo quy định của pháp luật phải có Giấy chứng nhận an toàn
kỹ thuật tàu cá;
c) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy
định của pháp luật. Đối với trường hợp tàu cá đã được thế chấp tại ngân hàng
thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được ngân hàng đó xác nhận;
d) Sổ danh bạ thuyền viên, Sổ thuyền viên tàu
cá theo quy định của pháp luật.
Đối với thuyền viên và người làm việc trên
tàu cá mà pháp luật quy định không phải có Sổ thuyền viên thì phải có giấy tờ
tùy thân.
4. Ghi nhật ký khai thác và Báo cáo khai thác
thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 9. Trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển
Việt Nam
1. Thực hiện đầy đủ thủ tục xuất cảnh và nhập
cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh
thổ có vùng biển mà tàu cá đến khai thác.
2. Tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định
của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có vùng biển mà tàu cá đến khai thác.
3. Chủ tàu cá phải mua bảo hiểm cho thuyền
viên và người làm việc trên tàu cá.
4. Trong quá trình hoạt động khai thác thủy
sản trên biển, thuyền trưởng tàu cá phải mang theo các giấy tờ (bản chính) sau
đây:
a) Các giấy tờ quy định tại khoản
2 Điều 7 Nghị định này;
b) Các giấy tờ liên quan do quốc gia, vùng
lãnh thổ có biển cấp, khi tàu cá đến hoạt động trên vùng biển của quốc gia đó.
5. Khi xảy ra sự cố tai nạn hoặc tình huống
nguy hiểm cần sự cứu giúp, thuyền trưởng phải phát tín hiệu cấp cứu và liên hệ
kịp thời với nhà chức trách của quốc gia có biển gần nhất, thông báo cho cơ
quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam để được giúp đỡ; thông
báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc về Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
6.[6]
Trước khi rời cảng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác về nước, thuyền
trưởng hoặc chủ tàu phải thông báo cho Tổng cục Thủy sản hoặc cơ quan quản lý
thủy sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký tàu cá, bằng phương
tiện thông tin liên lạc hoặc bằng văn bản trước 05 ngày, kể từ ngày dự kiến về
đến cảng Việt Nam.
7.[7]
Trách nhiệm tổ chức, cá nhân tổ chức đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản
ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác:
a) Chỉ được đưa tàu cá Việt Nam
đi khai thác ở vùng biển của quốc gia và vùng lãnh thổ khác khi đã được Tổng
cục Thủy sản cấp phép cho tàu cá đi khai thác;
b) Hướng dẫn, phổ biến cho thuyền trưởng,
thuyền viên tàu cá về quyền và trách nhiệm của họ khi tiến hành khai thác thủy
sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác; ký kết hợp đồng lao động
và tuân thủ pháp luật về lao động;
c) Phối hợp với cơ quan chức năng để giải
quyết và xử lý các vụ việc xảy ra có liên quan đến người và tàu cá do tổ chức,
cá nhân đưa đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ
khác;
d) Tạm ứng chi phí để đưa thuyền trưởng,
thuyền viên và người làm việc trên tàu cá về nước và các chi phí rủi ro khác
(nếu có);
đ) Tuân thủ các quy định của Nghị định số
33/2010/NĐ-CP , Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương 5.
TRÁCH
NHIỆM CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 10. Trách nhiệm
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên
quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển tổ chức việc điều tra, thăm dò đánh
giá nguồn lợi thủy sản và xây dựng bản đồ dự báo ngư trường ở từng vùng biển;
xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp khai thác
hợp lý nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên
quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển trong việc quản lý tàu cá hoạt động
khai thác thủy sản trên các vùng biển; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp
luật; phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm cứu nạn cho
người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển Việt Nam và
vùng biển cả.
3. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tàu
cá; cấp Giấy phép cho các tàu cá hoạt động trên các vùng biển theo thẩm quyền.
4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyền
trưởng, máy trưởng tàu cá, thuyền viên và những người làm việc trên tàu cá về
nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban
hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp khai thác
vùng ven bờ; phát triển nghề cá giải trí; thực hiện quản lý dựa vào cộng đồng
đối với vùng ven bờ; nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật
liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản phục vụ công tác tuyên truyền, giáo
dục pháp luật ở địa phương.
Điều 11. Trách nhiệm
của các Bộ, ngành liên quan
Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của
mình, các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự
và an toàn cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển; ngăn chặn các hành vi vi
phạm pháp luật về thủy sản; phối hợp với các ngành, các cấp tìm kiếm cứu nạn
người và tàu cá trên biển, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiến hành hoạt
động khai thác thủy sản trên các vùng biển; phối hợp với chính quyền địa phương
ven biển theo dõi và quản lý các tàu cá hoạt động ở vùng biển ngoài vùng biển
Việt Nam.
Điều 12. Trách nhiệm
của Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển
1. Căn cứ quy hoạch phát triển của ngành thủy
sản, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển phương tiện, cơ cấu nghề nghiệp
khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi của tỉnh; phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác điều tra, thăm dò, đánh giá nguồn
lợi thủy sản.
2. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại
vùng biển ven bờ, vùng lộng. Phân cấp và hướng dẫn quản lý vùng ven bờ cho Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia
của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ.
3. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thủy
sản cho nhân dân.
4. Hướng dẫn và phổ biến nhân rộng các mô
hình tổ chức khai thác thủy sản theo tổ, đội, tập đoàn sản xuất gắn với dịch vụ
hậu cần, đảm bảo an toàn trên biển; hướng dẫn và tạo điều kiện để ngư dân
chuyển đổi nghề khai thác thủy sản vùng ven bờ, các nghề gây tổn hại đến nguồn
lợi thủy sản sang làm các nghề khai thác thủy sản xa bờ hoặc nuôi trồng thủy
sản và dịch vụ khác.
5. Tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát các
hoạt động khai thác thủy sản trong phạm vi được phân công quản lý, triển khai
các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi trong phạm vi vùng ven bờ và vùng
lộng; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên
quan trong việc kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi và ngoài
vùng biển Việt Nam.
6. Định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về tình hình đăng ký tàu cá, đăng kiểm tàu cá và cấp Giấy
phép khai thác thủy sản của tỉnh mình theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH [8]
Điều 13. Hiệu lực thi
hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
15 tháng 6 năm 2010 và thay thế Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10
năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá
nhân Việt Nam trên các vùng biển.
Điều 14. Hướng dẫn và
thi hành Nghị định
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);
- Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (để đăng
tải);
- Lưu: VT, TCTS.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
PHỤ LỤC
III[9]
PHÂN
VÙNG, TUYẾN KHAI THÁC THỦY SẢN
TRONG
VÙNG BIỂN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo
Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ)