BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
44/2014/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 08 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6
năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28
tháng 3 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc
hội về chi phí giám định, định giá; chi
phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;
Căn cứ Nghị định
số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7
năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định
tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về giám định tư
pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục
bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lập và công bố danh sách giám định
viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia
giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định; hướng dẫn áp dụng quy chuẩn
chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng
giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi
trường; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chương II
TIÊU CHUẨN, HỒ SƠ, THỦ TỤC
BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP; LẬP VÀ CÔNG BỐ DANH SÁCH GIÁM ĐỊNH
VIÊN TƯ PHÁP, NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
THEO VỤ VIỆC
Điều 3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm
giám định viên tư pháp
1. Có sức khỏe, phẩm
chất đạo đức tốt.
2. Tiêu chuẩn “Có trình độ đại học trở lên” là có bằng
tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp
hoặc công nhận là tương đương đại học hoặc trên đại học tại Việt Nam theo quy định
của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên, thuộc một trong các lĩnh vực chuyên ngành sau đây:
a) Đất đai;
b) Tài nguyên nước;
c) Địa chất, khoáng
sản;
d) Môi trường;
đ) Khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu;
e) Đo đạc và bản đồ;
g) Biển và hải đảo;
h) Viễn thám;
i) Lĩnh vực đào tạo khác phù hợp với vị trí chuyên
môn được bổ nhiệm.
3. Đã trực tiếp làm công tác chuyên môn ở lĩnh vực
được đào tạo quy định tại Khoản 2 Điều này liên tục từ đủ 05 năm trở lên tính từ
ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp
đồng lao động.
Điều 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm
giám định viên tư pháp
1. Công văn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp
của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên theo quy
định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
3. Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp.
4. Giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị để chứng minh
thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm hoặc người
có đơn đề nghị bổ nhiệm.
Điều 5. Thủ tục bổ nhiệm giám định
viên tư pháp
1. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ
Tài nguyên và Môi trường:
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ lựa chọn người
có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này, lập hồ
sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Tài
nguyên và Môi trường;
b) Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ chủ trì, phối hợp với
Vụ trưởng Vụ Pháp chế xem xét hồ sơ, lựa chọn và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
2. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa
phương:
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối
hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này, lập
hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Điều 6. Miễn nhiệm giám định
viên tư pháp
1. Các trường hợp miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm
giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản
2 Điều 10 của Luật Giám định tư pháp.
2. Hàng năm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định
viên tư pháp gửi Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ
Tài nguyên và Môi trường.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Pháp chế kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem
xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa
phương.
Điều 7. Lập, công bố, điều chỉnh
danh sách giám định viên tư pháp; lập, công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức
giám định tư pháp theo vụ việc
1. Lập, công bố, điều chỉnh danh sách giám định
viên tư pháp
a) Đối với giám định viên tư pháp do Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm, miễn nhiệm:
Vụ Tổ chức cán bộ lập và gửi danh sách giám định
viên tư pháp đến Văn phòng Bộ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng
thời gửi đến Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận
được danh sách, Văn phòng Bộ có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên
tư pháp trên cổng, thông tin điện tử của Bộ.
b) Đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực
tài nguyên và môi trường do Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm:
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập, điều
chỉnh và gửi danh sách giám định viên tư pháp để đăng tải trên cổng thông tin
điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng
thời gửi đến Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
2. Lập, công bố danh sách người giám định tư pháp
theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
a) Người có đủ tiêu chuẩn
quy định tại Điều 18 của Luật Giám định tư pháp, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Luật Giám định tư pháp được lựa chọn để lập
danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo
vụ việc;
b) Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điểm a Khoản này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ
Tổ chức cán bộ trước ngày 01 tháng 10
hàng năm.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Pháp chế xem xét, lựa chọn người giám
định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định
tư pháp theo vụ việc, trình Lãnh đạo Bộ quyết định công bố danh sách người giám
định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định
tư pháp theo vụ việc;
Vụ Tổ chức
cán bộ gửi danh sách kèm theo thông tin công bố về người giám định tư pháp theo
vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã được Lãnh đạo quyết định công
bố đến Văn phòng Bộ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định
tại Điều 23, Điều 24 của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29
tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật
Giám định tư pháp, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, công bố danh sách người giám định tư
pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư
pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương để đăng tải
trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
Chương III
THỦ TỤC CỬ NGƯỜI THAM
GIA GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH; ÁP DỤNG QUY CHUẨN CHUYÊN
MÔN, CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH VÀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Điều 8. Cử người tham gia giám
định tư pháp
1. Sau khi nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định
tư pháp có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế
chủ trì, phối hợp với thủ trưởng cơ quan,
đơn vị liên quan lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo
vụ việc phù hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đề xuất hình thức giám định
là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể theo quy định tại Điều
28 của Luật Giám định tư pháp, trình Lãnh đạo Bộ quyết định cử người thực
hiện giám định và hình thức giám định.
2. Trường hợp trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp
có nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ hoặc yêu cầu giám định
tư pháp chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, Vụ trưởng Vụ
Pháp chế trình Lãnh đạo Bộ từ chối giám định tư pháp và trả lời cơ quan trưng cầu
giám định, người yêu cầu giám định.
3. Trường hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhận được
trưng cầu, yêu cầu giám định thuộc thẩm quyền
giải quyết, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và phân công
người thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức,
người được phân công giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng
cầu, yêu cầu giám định, tổ chức thực hiện
giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu giám
định, người yêu cầu giám định tư pháp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bất khả kháng không tổ chức thực hiện được việc giám định tư pháp,
người được phân công giám định tư pháp phải thông báo cho cơ quan, đơn vị và
nêu rõ lý do.
Điều 9. Thành lập hội đồng giám
định
1. Điều kiện thành lập hội đồng giám định:
a) Hội đồng giám định trong lĩnh vực tài nguyên và môi
trường được thành lập trong trường hợp quy
định tại Điều 30 của Luật Giám định tư pháp;
b) Hội đồng giám định trong lĩnh vực tài nguyên và
môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập.
2. Thành lập hội đồng giám định:
a) Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lựa chọn
giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và cán bộ, công chức
thuộc Bộ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, hoàn thiện hồ sơ
trình Bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng;
b) Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động
của hội đồng giám định thực hiện theo Điều 30 của Luật Giám định
tư pháp.
Điều 10. Áp dụng quy chuẩn
chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng
giám định tư pháp
1. Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài
nguyên và môi trường được thực hiện căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện
hành và các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định.
2. Chi phí giám định tư pháp trong lĩnh vực tài
nguyên và môi trường được thu, chi theo quy định của Pháp lệnh số
02/2012/UBTVQH13 ngày 28 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi
phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố
tụng; các văn bản quy định chi tiết thi hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực
tài nguyên và môi trường thực hiện theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01
tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng giám định
tư pháp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán
bộ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Hàng năm, căn cứ kết quả hoạt động giám định tư
pháp và thực tế chi phí giám định của năm trước, Vụ Pháp chế lập dự toán kinh
phí hoạt động giám định tư pháp của Bộ từ nguồn kinh phí dự phòng gửi Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách chung, trình cấp
có thẩm quyền quyết định theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2014.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có
khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài
nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND và Sở TNMT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ TNMT;
- Các đơn vị thuộc Bộ TNMT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ TNMT;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Hồng Hà
|