QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
CỦA KHO BẠC NHÀ NƯỚC TỈNH TRỰC THUỘC KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày
05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày
01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 235/2003/QĐ-TTg ngày
13-11-2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước,
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Kho bạc Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi là Kho bạc Nhà nước tỉnh) là tổ chức trực thuộc Kho bạc
Nhà nước, có chức năng thực hiện nhiệm vụ kho bạc nhà nước trên địa bàn theo
quy định của pháp luật.
Kho bạc Nhà nước tỉnh có tư cách pháp nhân, có
trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam tỉnh và các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn để thực hiện giao dịch,
thanh toán.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Kho bạc
Nhà nước huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Kho bạc Nhà
nước huyện) thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo chế độ quy định và hướng dẫn
của Kho bạc Nhà nước.
2. Tập trung các khoản thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn, hoạch toán các khoản thu cho các cấp ngân sách.
Kho bạc Nhà nước tỉnh có quyền trích tài khoản
tiền gửi của tổ chức, cá nhân để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện
pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước, kiểm
soát thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước trên địa bàn theo quy
định của pháp luật.
Có quyền từ chối thanh toán, chi trả các khoản
chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và chịu
trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Thực hiện một số dịch vụ tín dụng nhà nước
theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước.
5. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ huy động vốn theo
quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu
cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc xây dựng và triển khai các đề án
huy động vốn trên địa bàn.
6. Quản lý, điều hoà tồn ngân Kho bạc Nhà nước
theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước; thựchiện tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước
cho ngân sách địa phương theo quy định của Bộ Tài chính.
7. Quản lý quỹ ngân sách tỉnh, quỹ dự trữ tài
chính và các quỹ khác được giao quản lý; quản lý các khoản tạm thu, tạm giữ, tịch
thu, ký cược, ký quỹ, thế chấp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Quản lý các tài sản quốc gia quý hiếm theo
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quản lý tiền, tài sản, các loại
chứng chỉ có giá của nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước
tỉnh.
Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm
an toàn kho, quỹ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và các Kho bạc Nhà nước huyện trực
thuộc.
9. Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi và
thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản đối với các cơ quan, đơn
vị, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Mở tài khoản tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn để thực hiện thanh toán,
giao dịch theo chế độ quy định.
Tổ chức thanh toán, đối chiếu, quyết toán liên
kho bạc tại địa bàn tỉnh.
10. Tổ chức thực hiện kế toán ngân sách nhà nước
và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; thống kê, báo cáo, quyết toán các nghiệp
vụ phát sinh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và trên toàn địa bàn.
11. Tổ chức quản lý và ứng dụng công nghệ thông
tin tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và các Kho bạc Nhà nước huyện trực thuộc.
12. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, kiểm
soát hoạt động kho bạc nhà nước trên địa bàn; thực hiện công tác tiếp dân và giải
quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.
13. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ,
công chức, lao động hợp đồng và công tác đào tạo, bồi dưỡng của Kho bạc Nhà nước
tỉnh theo phân cấp của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước.
14. Tổ chức thực hiện công tác thi đua khen thưởng
theo quy định.
15. Quản lý và tổ chức thực hiện công tác hành
chính, quản trị, tài vụ, xây dựng cơ bản nội bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh theo quy
định.
16. Tổ chức và quản lý các điểm giao dịch theo
quy định của Kho bạc Nhà nước.
17. Tổ chức thực hiện chương trình hiện đại hoá
hoạt động Kho bạc Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo mục
tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, công khai hoá thủ tục, cải tiến quy trình
nghiệp vụ và cung cấp thông tin để tạo thuận lợi phục vụ khách hàng.
18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc
Kho bạc Nhà nước giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
a. Bộ máy giúp việc Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh
có không quá 8 phòng, gồm:
1. Phòng Kế hoạch tổng hợp;
2. Phòng Kế toán;
3. Phòng Thanh toán vốn đầu tư;
4. Phòng Kho quỹ;
5. Phòng Kiểm tra, kiểm soát;
6. Phòng Tin học;
7. Phòng Tổ chức cán bộ;
8. Phòng Hành chính – Tài vụ - Quản trị.
Riêng Kho bạc Nhà nước Hà Nội có không quá 11
phòng, Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 9 phòng.
Căn cứ tình hình thực tế, Tổng Giám đốc Kho bạc
Nhà nước quyết định sáp nhập, giải thể các phòng cho phù hợp với hoạt động của
từng đơn vị Kho bạc Nhà nước tỉnh.
b. Kho bạc Nhà nước huyện trực thuộc
Kho bạc Nhà nước quận trực thuộc Kho bạc Nhà nước,
Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức không quá 3 phòng nghiệp vụ
do Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quy định chức
năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Kho bạc Nhà nước tỉnh và của Kho bạc Nhà nước
huyện trực thuộc.
Điều 4. Kho bạc Nhà nước tỉnh có Giám đốc và một số Phó Giám đốc
Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh chịu trách nhiệm
trước Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước về toàn bộ hoạt động của Kho bạc Nhà nước
trên địa bàn.
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh chịu trách
nhiệm trước Giám đốc về lĩnh vực công tác được phân công.
Điều 5. Kinh phí hoạt động của Kho bạc Nhà nước tỉnh được cấp từ nguồn
kinh phí của Kho bạc Nhà nước và các khoản thu khác theo quy định.
Điều 6. Quan hệ giữa Kho bạc Nhà nước tỉnh với Uỷ ban nhân dân cùng
cấp:
1. Được Uỷ ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện để
thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định.
2. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Uỷ
ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật.
3. Có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, kiến nghị với
Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc tổ chức quản lý, điều hành ngân sách nhà nước
và các hình thức, biện pháp huy động vốn trên địa bàn.
4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về số liệu
thu, chi ngân sách nhà nước và các hoạt động của Kho bạc Nhà nước có liên quan
với Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Điều 7. Quan hệ giữa Kho bạc Nhà nước tỉnh với các Sở Tài chính, cac
tổ chức thuế, hải quan, dự trữ quốc gia (sau đây gọi là cơ quan tài chính) trên
địa bàn.
1. Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm thực hiện
đầy đủ quy định của Bộ Tài chính về quan hệ công tác với các cơ quan tài chính
trên địa bàn.
2. Kho bạc Nhà nước tỉnh được quyền yêu cầu các
cơ quan tài chính trên địa bàn cung cấp hồ sơ, tài liệu cần thiết theo quy định
phục vụ cho hoạt động Kho bạc Nhà nước.
Điều 8. Quyết định này hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2004. Bãi
bỏ Quyết định số 266TC/QĐ?TCCB ngày 07-4-1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định
chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Kho bạc Nhà nước và Quyết định
số 145/1999/QĐ-BTC ngày 26-11-1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nhiệm vụ và tổ
chức bộ máy thanh toán vốn đầu tư thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Điều 9. Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước; Giám đốc Kho bạc Nhà nước
các tỉnh, Thủ trưởng các tổ chức và đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan tài
chính trên địa bàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.