HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
114/2014/NQ-HĐND
|
Quảng Nam, ngày
11 tháng 7 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH, BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN SÂM NGỌC LINH TỈNH QUẢNG
NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12
năm 2004;
Căn cứ Nghị định số
23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ
và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số
117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ
thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số
186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế
quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2011 của liên Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn một số nội
dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp;
Sau khi xem xét Tờ trình số
1007/TTr-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị
thông qua và ban hành Nghị quyết về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển
sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban
Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát
triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020 như sau:
1. Mục tiêu
Mục tiêu tổng quát: Bảo tồn nguồn
gen gốc sâm Ngọc Linh, phát huy thế mạnh của tỉnh, tạo ra các sản phẩm dược liệu
từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam; khẳng định thương hiệu trên thị
trường trong và ngoài nước, bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tiêu dùng;
đồng thời chuyển hướng sản xuất, cơ cấu cây trồng, hình thành phương thức sản
xuất hàng hóa trên địa bàn miền núi, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân
dân trong vùng, thực hiện được giải pháp gắn quyền lợi hộ nông dân với rừng; tạo
điều kiện để nhân dân bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu từ nay đến
năm 2020, Trạm Dược liệu Trà Linh sản xuất 9 triệu cây sâm giống. Diện tích lũy
kế vùng trồng mới sâm đạt 150 ha (tính theo mật độ trồng dưới tán rừng: 50.000
cây/ha đất rừng).
2. Nội dung hỗ trợ
a) Phạm vi hỗ trợ:
Khu vực trồng sâm Ngọc Linh: theo
quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, trong đó tập
trung ở các xã: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang;
Bảo tồn tự nhiên trong phân khu bảo
vệ nghiêm ngặt và bảo tồn chủ động từ nguồn gây trồng tại khu vực do Trạm Dược
liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam
quản lý.
Những vùng di thực sâm Ngọc Linh tại
các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang sau khi đã được các cơ quan chuyên
môn kiểm định, chứng nhận chất lượng sâm và đảm bảo các điều kiện tự nhiên (khí
hậu, thổ nhưỡng...).
b) Đối tượng được hỗ trợ:
Hộ gia đình (đã đăng ký thành nhóm
hộ) có hộ khẩu thường trú tại các địa phương trong phạm vi hỗ trợ, có nhu cầu
và khả năng đầu tư trồng sâm, đảm bảo các quy định về điều kiện được hỗ trợ;
Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh
và Dược liệu Quảng Nam;
Trại Sâm Tắc Ngo thuộc UBND
huyện Nam Trà My.
c) Điều kiện được hỗ trợ:
Hộ gia đình phải đăng ký thành
nhóm hộ và đảm bảo các thủ tục về nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, nhận rừng và
đất rừng theo đúng trình tự quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
Tuân thủ các quy định về quản lý,
bảo vệ rừng đối với từng loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
Cam kết không thực hiện các hành
vi: Dẫn nhập sâm ngoại lai vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh; lợi dụng chính sách
hỗ trợ mua sâm giống của Nhà nước để hưởng lợi; bán sâm chưa đến tuổi khai
thác;
Tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ
thuật trồng, chăm sóc, khai thác sâm Ngọc Linh, chịu sự kiểm tra, giám sát và
nghiệm thu của các cơ quan chức năng.
d) Các cơ chế hỗ trợ:
- Hỗ trợ về đất:
Nhóm hộ gia đình được nhận khoán,
quản lý, bảo vệ rừng ở phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ
và rừng phòng hộ theo quy hoạch và kế hoạch giao khoán để quản lý, bảo vệ rừng
kết hợp trồng sâm dưới tán rừng;
Trạm Dược liệu Trà Linh được Nhà
nước giao quản lý, bảo vệ rừng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển
sâm Ngọc Linh theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ về giống:
Đối với hộ gia đình (đã đăng ký
thành nhóm hộ): Ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% giá mua cây sâm giống (giá sâm giống
do Sở Tài chính định giá từng năm), nhưng không quá 500 cây/hộ/năm.
Trại Sâm Tắc Ngo thuộc UBND
huyện Nam Trà My: Mức hỗ trợ bằng mức hỗ trợ cho nhân dân, số lượng
cây giống hỗ trợ tùy tình hình thực tế từng năm và được UBND tỉnh phê
duyệt.
- Hỗ trợ về tín dụng: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức
lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại; mức
vay tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ, dùng để mua sắm trang thiết bị
quản lý và bảo vệ vườn sâm, thời gian vay không quá 07 năm.
- Các hỗ trợ khác: Hộ gia đình (đã
đăng ký thành nhóm hộ) được hưởng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng theo quy định
hiện hành; hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý nhà nước
về giống để tự tổ chức sản xuất giống phục vụ cho đầu tư phát triển vùng sâm
nguyên liệu trên đất được giao khoán; tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động
nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ; được tập huấn và hỗ trợ xây dựng mô hình theo các chương trình khuyến
nông.
3. Giải pháp
a) Thực hiện quy hoạch phân khu chức
năng ở khu vực rừng đặc dụng kết hợp với quy hoạch chi tiết để bảo tồn và phát
triển cây sâm Ngọc Linh, gắn với chủ thể tổ chức quản lý rừng có hiệu quả. Trên
cơ sở quy hoạch, tổ chức việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, giao rừng, cho
thuê rừng theo đúng quy định với từng loại rừng và từng loại phân khu chức
năng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng rừng để trồng sâm một
cách hiệu quả.
b) Quản lý nghiêm ngặt nguồn giống,
đảm bảo cây giống phục vụ cho mục tiêu nuôi trồng, phát triển được lấy từ sâm
Ngọc Linh tại vùng bản địa Ngọc Linh. Nghiêm cấm mọi trường hợp dẫn nhập sâm
ngoại lai vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh và các vùng di thực khác.
c) Hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa
lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm Ngọc Linh, xây dựng chiến lược quảng bá thương
hiệu sâm Ngọc Linh - Quảng Nam trên thị trường trong và ngoài nước xứng đáng với
tiềm năng và giá trị vốn có của cây sâm.
d) Tăng cường công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực trồng sâm; xây dựng ý thức bảo vệ,
phát triển cây sâm Ngọc Linh gắn với ý thức bảo vệ rừng nguyên sinh, thực hiện
tốt chính sách duy trì, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
e) Đẩy mạnh công tác hướng dẫn,
chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu, nhất là cây
sâm Ngọc Linh và các dự án bảo tồn, di thực khác. Khuyến khích, thu hút các
doanh nghiệp, cá nhân tham gia bao tiêu sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất,
chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người
trồng.
f) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra
số lượng sâm giống đã hỗ trợ; chú trọng việc nhân rộng mô hình trồng sâm tập
trung theo từng nhóm hộ để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất, tổ chức bảo vệ các
vườn sâm, đảm bảo an ninh, trật tự, hạn chế việc thất thoát, mất trộm.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện
Nghị quyết này.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa VIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 11 tháng 7 năm
2014 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được thông qua./.
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Ngọc Quang
|